Chị Bích Vân ở Hà Nội năm nay 27 tuổi, chưa lập gia đình. Chị Vân làm hành chính ở một công ty về lĩnh vực thực phẩm mới mức lương ổn định 10 triệu đồng/tháng.

Chị Vân có một căn hộ chung cư nên hàng tháng chị không phải lo chi phí thuê nhà. Trong khi đó, chị có 350 triệu đồng tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm ở ngân hàng.

Với số tiền tiết kiệm không nhiều, nhưng chị Vân muốn tìm hiểu thêm thị trường đầu tư khác để có thêm thu nhập. Chị đang phân vân cứ tiếp tục gửi tiết kiệm lấy lãi hay đầu tư gì lời hơn, mong được chuyên gia cho lời khuyên.

Nhiều người phân vân có nên gửi tiền ngân hàng.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thời điểm này, gửi tiết kiệm vẫn là phương án tối ưu, an toàn cho những người có số tiền nhàn rỗi tương đối nhỏ. 

Bỏi theo ông, khi đầu tư cần đảm bảo sinh lời, an toàn vốn và đầu tư phải có tính thanh khoản. Trong khi, gửi tiền ngân hàng hưởng lãi suất đạt tất cả những điều đó.

Ở góc nhìn khác, chia sẻ với PV VietNamNet, ông Lê Hoài Ân, Giám đốc Đào tạo, CTCP Chứng khoán SSI đưa ra phân tích định hướng cụ thể hơn cho chị Vân.

Đầu tiên, theo ông Ân, chị Vân nên có một kế hoạch tài chính cá nhân chi tiết, với các mục tiêu mong muốn đạt được theo các mốc thời gian cụ thể tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro.

Đồng thời, cần tính toán phân bổ hợp lý tài sản hiện có vào các quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp, trước khi xác định số tiền mà chị có thể bắt đầu tiến hành đầu tư.

Sau khi đã trích lập quỹ dự phòng khẩn cấp, xác định số tiền nhàn rỗi, chị có thể bắt đầu tiến hành đầu tư. Trong đó, kênh đầu tư chứng khoán là hợp lý để bắt đầu. 

Tuy nhiên, ông Ân cho rằng, khoản đầu tư tốt nhất trước khi đầu tư chứng khoán, đó là đầu tư vào bản thân, nâng cao nhận thức, kiến thức cơ bản về tài chính, đầu tư…  Có thể tham khảo các nội dung đào tạo về đầu tư trên các kênh thông tin chính thống như truyền hình, các tổ chức tài chính lớn, có uy tín.

“Thông thường, người trẻ có xu hướng chọn thời điểm để bắt đầu. Chẳng hạn như, khi thu nhập đủ lớn, khi số tiền đã tiết kiệm được đủ nhiều hay đầu tư tài chính là câu chuyện của những người giàu có…

Tuy nhiên, đầu tư cần có tầm nhìn dài hạn và thời gian mới là quan trọng, chứ không phải chuyện chọn thời điểm. Do đó, thời điểm đầu tư tốt nhất chính là bây giờ, nhất là khi chị Vân mới chỉ 27 tuổi là một lợi thế, khi thời gian để đầu tư còn rất dài nếu tính tới thời điểm nghỉ hưu”, ông Ân phân tích.

Trong thời gian đang tìm hiểu, nghiên cứu về đầu tư tài chính cơ bản, vị chuyên gia này cho rằng, việc phân bổ khoản tiền 350 triệu đồng nên tập trung vào các chứng chỉ quỹ để có sự đa dạng hóa rủi ro, chứ chưa nên đầu tư vào các cổ phiếu riêng lẻ. 

Ngoài ra, để đầu tư dài hạn trở thành một thói quen, theo ông Ân, chị Vân có thể trích một phần thu nhập hàng tháng, kể cả là một số tiền rất nhỏ, chỉ khoảng 500.000 đồng để mua chứng chỉ quỹ hàng tháng. Sau này, khi có đủ tự tin hơn, chị có thể trích một phần nhỏ của danh mục đầu tư của mình đầu tư vào cổ phiếu riêng lẻ. Từ đó, có thể tăng dần nếu thấy mình phù hợp với cách đầu tư này.

Hy vọng từ các phân tích của các chuyên gia, chị Vân sẽ có thêm cơ sở đưa ra quyết định phù hợp với số tiền đang có của mình.