Gần giữa năm 2022, anh T.T.T (Đà Nẵng)- một nhà đầu tư bất động sản ở Đà Nẵng chuyển hướng đầu tư từ đất nền sang nhà phố trung tâm bằng việc mua nhà sửa bán. Theo anh T., khác với những phân khúc khác, đầu tư nhà phố an toàn hơn vì luôn có nhu cầu ở thực.
Sau thời gian khảo sát, tìm hiểu kỹ, anh T. quyết định mua căn nhà thuộc quận Thanh Khê (Đà Nẵng), diện tích 50m2, với giá 2,1 tỷ đồng. Căn nhà tuy nằm trong hẻm nhưng có vị trí trung tâm thành phố, chỉ cách đường lớn hơn 50m, hẻm trước nhà 2,5m. Anh kỳ vọng sau khi đầu tư, sửa sang lại có thể bán với giá 2,6-2,7 tỷ đồng.
Quá trình sửa sang mất nhiều thời gian do phải chờ đợi thủ tục, rồi thời tiết mưa ngập nên phải mất gần 3 tháng mới hoàn thiện xong. Chi phí sửa sang lại toàn bộ căn nhà hết khoảng 300 triệu đồng.
Lúc anh hoàn tất việc sửa nhà cũng là thời điểm thị trường bất động sản Đà Nẵng bước vào giai đoạn vô cùng trầm lắng.
“Tôi đã liên hệ với môi giới từ cuối 2022, tính đến nay cũng đã 3 tháng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có khách hỏi mua, mặc dù tôi đã hạ giá, rao bán giá gốc để thu hồi vốn. Liên hệ với môi giới thì họ gợi ý tôi nên hạ giá thêm mới có thể bán được. Có môi giới còn tư vấn nếu không cần tiền gấp thì nên đợi đến năm 2024 hẵng bán vì thời điểm này bán lỗ cũng khó có người mua”, anh T. nói.
Nhìn căn nhà được sửa sang đẹp đẽ, anh T. chỉ biết thở dài, không biết khi nào mới có thể thu hồi vốn.
Cũng đăng tin rao bán nhà suốt mấy tháng nay nhưng anh Minh Đức (quận Hải Châu, Đà Nẵng) vẫn chưa tìm được khách. Anh Đức cho biết, năm 2020 anh bỏ 3,5 tỷ đầu tư mua căn nhà ở quận Hải Châu, có diện tích gần 70m2, xây 3 tầng kiên cố, kiệt trước nhà 3m. Đầu năm 2022 căn nhà của anh có người trả giá 3,9 tỷ đồng nhưng anh không bán.
Trong năm qua, việc kinh doanh không thuận lợi, anh Đức đang có một khoản nợ ngân hàng khá lớn, lãi suất tăng cao khiến anh không thể cầm cự thêm nên đành ngậm ngùi rao bán nhà để trả nợ gấp. Từ 3,9 tỷ đồng, anh hạ giá căn nhà xuống 3,7 tỷ đồng và nay chấp nhận bán lỗ gần 400 triệu, xuống 3,1 tỷ đồng nhưng vẫn không có khách mua.
“Căn nhà này tôi đang cho khách thuê với giá gần chục triệu đồng/tháng nhưng hiện giờ tôi đang phải gồng lãi ngân hàng, áp lực tài chính nên mới phải bán để trả nợ. Thị trường khó khăn, đã giảm giá, bán lỗ nhưng vẫn không bán được”, anh Đức nói.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, mới đầu năm trên các trang hội nhóm mua bán bất động sản ở Đà Nẵng xuất hiện nhan nhản thông tin rao bán bất động sản “ngộp”, “sụp hầm”, cần tiền bán gấp, kẹt tiền ngân hàng… Tình trạng diễn ra ở hầu hết các phân khúc, từ căn hộ đến đất nền, nhà phố.
Anh Nguyễn Văn Tiến, nhân viên môi giới bất động sản Công ty T.K ở Đà Nẵng cho biết, thị trường bất động sản Đà Nẵng trầm lắng từ nửa cuối 2022 đến nay. Thời điểm này, nhiều nhà đầu tư áp lực trả lãi, tái cơ cấu nguồn vốn nên chấp nhận bán lỗ. Giá bán rẻ hơn thời điểm trước Tết nhưng không được khách quan tâm. Thanh khoản trên thị trường rất thấp. Từ thời điểm ra Tết, cả thị trường chỉ ghi nhận vài giao dịch.
“Dự báo tình hình thị trường vẫn còn khó khăn nên nhiều người vẫn đang có tâm lý chờ giá giảm hơn nữa. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng ở mức cao khiến người có nhu cầu thật cũng khó tiếp cận”, anh Tiến bày tỏ.
Theo ông Võ Hồng Thắng- Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Group, thị trường bất động sản Đà Nẵng không nằm ngoài xu hướng giảm chung của thị trường cả nước. Có một số nguyên nhân làm cho thị trường sụt giảm mạnh, ngoài những yếu tố chung của thị trường như: thị trường chứng khoán giảm mạnh, lãi suất tăng cao,… khiến cho nhà đầu tư e dè và thận trọng hơn trong giai đoạn này. Việc tăng cường kiểm soát tín dụng, trái phiếu bất động sản, gia tăng lãi suất khiến người mua và doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong việc tiếp cận vốn.
Nếu tình hình tiếp tục diễn biến theo hướng như hiện nay thì việc giảm giá, cắt lỗ diễn ra trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là những nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy tài chính nhưng mất khả năng trả lãi.
Dự báo thị trường bất động sản Đà Nẵng thời gian tới, ông Võ Hồng Thắng chia sẻ, trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn ít nhất đến hết năm 2023. Về dài hạn, Đà Nẵng vẫn có những dư địa để phục hồi và phát triển trong tầm nhìn từ 3 - 5 năm tới.