Những năm qua, với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều bản làng vùng cao ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã có những thay đổi tích cực.
Tháng 9/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh đã liên kết với Hợp tác xã măng giang Trường Xuân thực hiện dự án “Liên kết chuỗi giá trị măng Trường Xuân”, ngoài thu mua măng hái tự nhiên, Hợp tác xã còn thực hiện mô hình sinh kế trồng 4ha tre điền trúc lấy măng theo hướng hữu cơ tại bản Hang Chuồn-Nà Lâm và bản Khe Ngang, xã Trường Xuân.
Giai đoạn 2023-2027, các đơn vị sẽ tư vấn xây dựng liên kết, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư, bao bì gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần giúp bà con đồng bào Bru-Vân Kiều có việc làm và thu nhập ổn định...
Để tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, huyện đã thực hiện 6 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, đa dạng hóa sinh kế trong năm 2023 và đã thẩm định, phê duyệt 9 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng năm 2024.
Năm 2023, từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội Nông dân huyện cũng đã thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản tại bản Ploang, xã Trường Sơn. Có 13 hộ dân thuộc diện hộ nghèo được tập huấn kỹ thuật sản xuất và hỗ trợ 44 con dê giống. Hội cũng phối hợp các đơn vị tổ chức tập huấn cách phòng trị bệnh cho dê, hợp đồng với cán bộ thú y xã để hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, giám sát việc phòng trừ dịch bệnh trên dê cho các hộ dân…
Thực hiện dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã triển khai hỗ trợ bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng, cây lâm sản ngoài gỗ. Hiện nay, huyện đang thực hiện giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 46.326ha, có 925 hộ, với 19 cộng đồng sinh sống ven rừng, trong lõi rừng tham gia khoanh nuôi, bảo vệ.
Huyện đã triển khai trợ cấp gạo thực hiện bảo vệ và phát triển rừng năm 2023 cho hai xã Trường Sơn và Trường Xuân với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng. Năm 2024, đã phê duyệt hỗ trợ gạo quý II cho xã Trường Xuân với tổng kinh phí trên 332 triệu đồng.
Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, huyện cũng xác định việc đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi như đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, các tuyến đường liên bản, trường học, công trình cung cấp nước sạch...
Từ nguồn vốn đầu tư, năm 2022-2023, huyện đã xây dựng 7 công trình với tổng kinh phí trên 6,5 tỷ đồng. Năm 2024-2025, tiếp tục phân bổ vốn đầu tư 9 công trình tại các bản thuộc hai xã Trường Sơn và Trường Xuân với tổng mức đầu tư trên 11 tỷ đồng.
Ông Phạm Trung Đông, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, tiếp tục lồng ghép nguồn lực từ các chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, chương trình đầu tư công tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, giúp đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên.
Mục tiêu đến năm 2025, có 89% thôn/bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố, 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, 95% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...