Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) được thông qua tại Ðại hội XIII nêu rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Ðẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới".

{keywords}
Ảnh minh họa

Một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao được xác định là những ưu tiên phát triển bao gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất robot, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp dược phẩm, sản xuất chế phẩm sinh học, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp và vật liệu mới...

Với tầm nhìn chiến lược, bám sát nền sản xuất công nghiệp và kinh tế công nghiệp của thế giới hiện đại, Ðại hội XIII của Ðảng đã kế thừa và bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Ðây là cơ sở quan trọng hàng đầu để Chính phủ và các cấp, các ngành xây dựng những chính sách cụ thể, kịp thời và hiệu quả nhằm hoàn thành mục tiêu đất nước có nền công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 và có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Thanh Tùng - Ảnh Ngọc Dũng