Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động nhận định, những năm qua công tác truyền thông của các cấp công đoàn có nhiều đổi mới: nội dung được chọn lọc và ngày càng phong phú; đối tượng mở rộng và hướng mạnh về cơ sở; phương thức đa dạng và coi trọng ứng dụng công nghệ số.
Bên cạnh đó, đời sống, việc làm, tâm tư, tình cảm của đoàn viên, người lao động và hình ảnh Công đoàn Việt Nam được tuyên truyền và lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân đối với tổ chức Công đoàn và người lao động, góp phần quan trọng vào kết quả chung của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ 2018 -2023.
Trong bối cảnh mới, nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa chiều, dân chủ xã hội tiếp tục được mở rộng, dân trí không ngừng nâng cao, sự bùng nổ của công nghệ và các hình thức truyền thông gắn với công nghệ đặt ra những yêu cầu mới và ngày càng cao đối với truyền thông công đoàn.
Chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028” do Ban Chấp hành Tổng liên đoàn lao động ban hành, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028.
Mục tiêu của Chương trình là tập trung nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trong và ngoài công đoàn, sử dụng đa dạng và hiệu quả các hình thức, phương thức truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ đến đoàn viên, người lao động và toàn xã hội về hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Tập trung quảng bá, giới thiệu vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đóng góp và những đổi mới của Công đoàn Việt Nam, bảo vệ các giá trị và truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam.
Bên cạnh đó, phản ánh kịp thời đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; tuyên truyền, vận động nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, góp phần phát triển cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị và đất nước.
Tăng sản phẩm truyền thông trên nền tảng số
Chỉ tiêu đầu tiên được Ban Chấp hành Tổng liên đoànl ao động khóa 13 xác định là hằng năm có 85% đoàn viên, người lao động được tiếp cận thông tin về chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và công đoàn.
Ngoài ra, 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan công đoàn tuân thủ cơ chế phát ngôn về hoạt động công đoàn. Người phát ngôn của Tổng liên đoàn lao động cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2028 có 100% tài liệu phục vụ công tác truyền thông được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn; phát hiện, xử lý 80% trở lên tin sai lệch, tin xấu độc về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Phấn đấu đến năm 2028, ở cơ quan công đoàn cấp tỉnh và tương đương có cán bộ làm công tác truyền thông được đào tạo, bồi dưỡng cấp chúng chỉ về báo chí, truyền thông.
Chú trọng truyền thông các vấn đề người lao động quan tâm
Ban Chấp hành Tổng liên đoàn lao động khóa 13 nêu rõ bên cạnh truyền thông về hoạt động công đoàn cần đẩy mạnh truyền thông các nội dung, vấn đề mà đoàn viên, người lao động quan tâm.
Thông qua truyền thông công đoàn, phải đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động.
Truyền thông về chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch hoạt động công đoàn, nhất là chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động, những quy định người lao động cần nắm vững để nâng cao năng lực tự bảo vệ; thông tin chỉ dẫn, giáo dục, tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.
Truyền thông về hoạt động công đoàn, nhất là lợi ích công đoàn mang lại để người lao động hiểu rõ mục tiêu “vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì?”; về công đoàn tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; thông tin đối ngoại và các hoạt động hợp tác quốc tế; về gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua; về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM; phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ giá trị cốt lõi và truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Phản ánh tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động; những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật và các sáng kiến, hiến kế phát triển đất nước của người lao động.
Căn cứ nội dung truyền thông cụ thể, các cấp công đoàn tiến hành phân chia đối tượng truyền thông thành các nhóm nhỏ dựa trên các đặc điểm nhân khẩu học như độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn, lĩnh vực công tác và làm việc, vùng miền, thói quen tiếp cận thông tin, thời gian làm việc và nghỉ ngơi… để thiết kế thông điệp, lựa chọn công cụ, phương tiện tác động, tổ chức chiến dịch truyền thông và đánh giá, đo lường hiệu quả.