Từ liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long

Trong khi tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch, hiện hữu nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, thực phẩm ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở các địa phương áp dụng biện pháp phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng rau củ quả trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở khu vực phía nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ khoảng 500 nghìn tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: Xoài 40 nghìn tấn, chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 40 nghìn tấn, mít 10 nghìn tấn…

Giám đốc Nông trường Sông Hậu Nguyễn Thanh Phú cho hay, toàn bộ diện tích trồng nhãn của nông dân khoảng 200 ha, thu hoạch liên tục khoảng 1.600 tấn. Thế nhưng liên hệ với các đầu mối, thương lái quen thì họ đều từ chối vì hiện nay các chợ đầu mối nông sản lớn như chợ Bình Điền đều đóng cửa, không hoạt động nên không biết bán đi đâu.

Tại tỉnh Long An, mặt hàng thanh long đã đứt gãy chuỗi xuất khẩu nên giá trái chín chỉ bằng một phần ba giá thành sản xuất. Để thu mua hết 15 nghìn tấn thanh long của bà con, UBND tỉnh Long An đã kêu gọi 150 cơ sở thu mua trên địa bàn huyện Châu Thành đẩy nhanh tiến độ thu mua dự trữ để giúp dân.

{keywords}
Đẩy mạnh liên kết vùng, giải pháp vượt đại dịch

Trước thực trạng khó khăn của trái thanh long và đầu ra của các loại nông sản, tỉnh Long An kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tăng cường hỗ trợ Long An và các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử; kết nối hệ thống phân phối hiện đại để xuất khẩu.

Ngay sau khi Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT được thành lập để chỉ đạo tình hình sản xuất, tiêu thụ và kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản ở phía nam, một trong những việc đầu tiên tổ công tác làm là xây dựng các đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm cho thị trường TP.HCM và các tỉnh phía nam.

Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp sau khi tham gia đầu mối cung cấp nông sản, thực phẩm của Tổ công tác 970 đã ngay lập tức gỡ khó được khâu tiêu thụ, có ngay hợp đồng. Đơn cử như HTX Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, Long An) đã ký được hợp đồng cung ứng 15 tấn rau củ cho một chuỗi thực phẩm sạch ở Đồng Nai; một hợp tác xã ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang) cũng ký được hợp đồng cung cấp trứng cho một đơn vị ở TPHCM với số lượng 20.000 quả/3 ngày.

Từ thực tế trên cho thấy vai trò quan trọng của liên kết vùng trong bối cảnh dịch bệnh. PGS.TS Nguyễn Chí Hải, Trưởng Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM đánh giá, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, vấn đề liên kết vùng càng trở thành vấn đề cấp bách. Đây chính là dịp để có thể “biến nguy thành cơ” trong việc nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng nhằm đưa kinh tế TPHCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía nam tiếp tục có bước phát triển mới.

Tại Báo cáo Đổi mới và Thích ứng nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng kinh tế năm 2021, nhóm chuyên gia của CIEM cho biết đến hết năm 2020, liên kết kinh tế vùng ở nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đầu tiên phải kể tới cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng được kết nối đồng bộ. Việc thúc đẩy liên kết vùng cũng đã tạo sự chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước. Thông qua liên kết vùng, mâu thuẫn giữa các địa phương trong vùng được giải quyết hài hòa hơn. Các địa phương trong vùng đã cùng bàn bạc và có những đề xuất chính sách/dự án chung đối với vùng và liên vùng.

Liên kết vùng đã góp phần đáng kể trong việc lôi kéo các chủ thể khác trong nền kinh tế tham gia hợp tác, đặc biệt là thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tham gia các hội nghị vùng, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại vùng, v.v...

“Mặc dù vậy, vẫn còn không ít thách thức liên quan đến giám sát việc thực hiện quy hoạch, tính toán lợi thế so sánh giữa các tỉnh/thành phố trong vùng, hay liên kết đầu tư phát triển”, Báo cáo Đổi mới và Thích ứng của CIEM nêu.

Động lực phát triển 

Để thúc đẩy liên kết vùng, CIEM đề xuất áp dụng một cách hệ thống, đồng bộ 4 nhóm giải pháp. Đầu tiên, CIEM nhấn mạnh việc thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về lợi ích của liên kết vùng, đặc biệt là thay đổi tư duy và ràng buộc trách nhiệm của đội ngũ bộ lãnh đạo ở cấp Trung ương và địa phương. Tiếp đó, CIEM khuyến nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi liên kết cơ quan điều phối trong vùng.

Nhóm giải pháp thứ 3 là thiết lập Tổ chức quản lý vùng với một thể chế hoạt động mang tính pháp lý cao và có thực quyền. Cuối cùng, CIEM đề xuất ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao khả năng điều hành vùng; xây dựng hạ tầng số kết nối các Trung tâm điều hành Đô thị thông minh của các địa phương trong vùng và xây dựng Trung tâm điều hành thông minh vùng do Hội đồng vùng quản lý, phục vụ việc ra quyết định, đặc biệt liên quan đến các vấn đề xử lý có tính chất vùng và liên vùng, hướng tới xây dựng vùng “số”.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: “Cái quan trọng nhất trong liên kết vùng là tạo ra thể chế vùng. Nhìn vào các địa phương đã tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế thời gian qua, từ khóa đều nằm ở thế chế”.

PGS.TS Nguyễn Chí Hải đánh giá, giải pháp chống dịch phải có tính liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong Vùng. Trước hết, các địa phương cần chủ động xác định khu vực vùng dịch giữa các địa phương ở các mức độ, phạm vi khác nhau. Lãnh đạo tỉnh, thành phố cần có cơ chế phối hợp trong kiểm soát dịch bệnh cũng như cùng tháo gỡ khó khăn trong thực hiện mục tiêu kép.

Bên cạnh đó, công tác thông tin về các ca lây nhiễm, các yếu tố dịch tễ cũng như các điều kiện về nhân lực, thiết bị y tế giữa các địa phương cũng cần có sự tiếp cận, cập nhật tổng thể theo liên tỉnh, theo vùng. Điều này cho phép các địa phương có cái nhìn tổng thể hơn về vùng dịch và có phương án hỗ trợ nhau trong việc chữa trị người bệnh cũng như sử dụng nguồn lực y tế.

Trên cơ sở đảm bảo tốt 5K, các địa phương phải duy trì được chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm thiết yếu nhằm đảm bảo đời sống của người dân, đồng thời giải quyết đầu ra cho nông sản, thực phẩm ngay tại địa phương mình, đáp ứng yêu cầu an sinh, an dân.

Để khắc phục ách tắc và khơi thông chuỗi cung ứng hàng hóa đầu vào - đầu ra giữa các địa phương, cần có cơ chế phối hợp thống nhất giữa chính quyền các tỉnh, thành phố trong Vùng, có thể theo các mức độ, tùy vào yêu cầu thực tiễn. 

Bên cạnh đó, ưu tiên thực hiện các biện pháp duy trì sản xuất đối với các ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu, giảm đến mức thấp nhất của việc gãy khúc chuỗi xuất khẩu tại các thị trường bên ngoài. Cấp tỉnh, thành phố cần cử cán bộ trực tiếp theo dõi hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, giải quyết các vấn đề y tế, an sinh… liên quan. Cần thiết lập đường dây nóng của cấp điều phối Vùng để kịp thời giải quyết các gút mắc của doanh nghiệp, trước hết là chuỗi cung ứng.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Bài ảnh Bảo Anh