Bàn tới các giải pháp của doanh nghiệp để phát triển dịch vụ và tạo thói quen cho người dân trong thanh toán không dùng tiền mặt, ông Trương Quang Việt, đại diện Viettel Digital cho biết, việc kết nối giữa Mobile Money và NAPAS là một thành công đối với dịch vụ cung cấp của Viettel Money. Theo đó, với dịch vụ này, khách hàng có thể dùng tài khoản Money của mình chuyển khoản đến hơn 50 ngân hàng sau khi hệ thống được kết nối. 
 
“Sau 3 tháng triển khai, có thể thấy ngay được lượng giao dịch cũng như giá trị dòng tiền đều tăng trưởng gấp đôi. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng khi khơi thông được dòng tiền vào tài khoản”, ông Trương Quang Việt nói.
 
Về phía mình, đại diện NAPAS cho biết, hiện nay đơn vị này đã kết nối các đơn vị khác ngoài ngân hàng như các đơn vị trung gian thanh toán, viễn thông, Mobile Money hay các nhà cung cứng dịch vụ giao thông, hàng không cũng như các đơn vị hành chính công. Việc triển khai được thực hiện theo đúng định hướng chuyển đổi Chính phủ số, kinh tế số của Chính phủ là tiến hành triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên kênh thanh toán số. Trong đó, đã từ việc rút tiền sang thực hiện chuyển tiền trên thiết bị số như điện thoại di động.

Tăng độ phủ sóng mạng lưới dịch vụ để tạo thói quen cho người dân. Ảnh: Duy Vũ

Vị này cũng cho hay, trong thời gian tới, ngoài việc phát triển thanh toán trên mobile, dịch vụ Tap to phone, cầnlàm sao để khách hàng sử dụng điện thoại như một phương tiện thanh toán trực tiếp tại các điểm bán hàng. “Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tham gia tích cực vào việc triển khai dịch vụ mở tài khoản an sinh xã hội, chuyển tiền thanh toán an sinh cho toàn hệ thống ngân hàng”, đại diện NAPAS cho biết. 

Ngoài ra, NAPAS cũng đã ký thoả thuận với Trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu dân cư để triển khai kết nối liên thông, làm sao chia sẻ và đồng bộ giữa dữ liệu chứng minh thư, căn cước công dân và dữ liệu tài khoản ngân hàng. Hay việc phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội triển khai thí điểm chi trả tiền thành công an sinh xã hội cho người dân Việt Nam.

Về giải pháp phía doanh nghiệp, đại diện Viettel Digital cho rằng cần phải giải quyết được bài toán cung cấp dịch vụ đến người dân sao cho mọi người có thể sử dụng hào hứng, hiểu tiện ích hơn, nhất là với các dịch vụ hướng đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chẳng hạn như Mobile Money. Lấy ví dụ, vị này cho biết thời gian qua đã triển khai thực hiện mô hình gọi chợ 4.0 thành công. Hiện nay, mô hình này đã phủ khắp 63 tỉnh thành. 
 
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình này. Thói quen đi chợ của mọi người là thói quen hằng ngày, giống như gọi điện thoại, nên chúng tôi sẽ lấy mô hình 4.0 từ đó tạo thành thói quen cho người dân khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt rồi lan tỏa ra”, vị chuyên gia này cho biết thêm.
 
Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh được mô hình này, đại diện doanh nghiệp vị cho rằng cần phải kết hợp với các bộ, ban, ngành trong công tác truyền thông về mô hình này trong thời gian tới bởi một trong những trở ngại để thay đổi công cụ thanh toán của người dân là thói quen bình thường dùng tiền mặt sang thanh toán bằng công cụ điện tử. Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng cần phải làm sao đào tạo cho người dân, truyền thông thay đổi nhận thức để mọi người thấy là sản phẩm không những tiện ích mà rất an toàn vì động đến tiền phải rất an toàn.

Bên cạnh các tiện ích thì cần phải để các mô hình chợ 4.0 hay mạng lưới thanh toán có thể phủ rộng ở khắp mọi nơi. “Cùng với việc đẩy mạnh mô hình chợ 4.0 thì hiện nay, người dân vẫn có thói quen rút tiền mặt. Do đó, không thể thiếu những điểm kinh doanh hỗ trợ nạp, rút tại 63 tỉnh, thành, đặc biệt là đến huyện, xã. Cần tiếp tục mở rộng các mạng lưới và điểm cung cấp dịch vụ để người dân khi có nhu cầu hoặc là chỉ trong bán kính nhất định là có thể có chỗ cung cấp dịch vụ".