Vào chiều 9/11 tại Hà Nội, Hội thảo chuyên đề số 2 trong chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, với chủ đề “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã được diễn ra.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam là nền tảng tốt cho đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh.
Các doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn phát triển sản xuất thông minh với hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất, như Thaco Mazda, Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải (Hải Phòng), nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương, giàn khoan tự nâng của Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel,…
Vào chiều 9/11 tại Hà Nội, Hội thảo chuyên đề “Phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được diễn ra (nguồn ảnh: moit.gov.vn). |
Dù vậy, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á - Thái Bình Dương mới công bố tháng 11/2021 cho thấy, công nghiệp chế biến chế tạo của các doanh nghiệp Việt Nam 70% sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot, sản đắp lớp 3D.
Hơn 75% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2/3 doanh nghiệp lớn được khảo sát hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.
“Thực tế cho thấy phát triển sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức”, ông Nguyễn Đức Hiển nhận định.
Nhấn mạnh vai trò của sản xuất thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương - ông Đào Trọng Cường cho rằng, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để nước ta đẩy mạnh chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng “Make in Viet Nam”.
Đây cũng là cơ hội để làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến; đẩy mạnh R&D trong sản xuất các thiết bị số như điện thoại thông minh, tivi thông minh, máy tính bảng, các thiết bị IoT tại Việt Nam.
H.A.H
Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng kiến trúc ICT cho đô thị thông minh
Kiến trúc ICT mà tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang xây dựng nhằm vạch ra các nguyên tắc, các hướng dẫn để tạo lập, giải thích, phân tích và đưa ra giải pháp cho đô thị thông minh.