Thị trường nhiều tiềm năng

Ngày 9/9, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, kim ngạch thương mại hàng nông sản giữa Việt Nam và châu Phi thời gian qua không ngừng tăng trưởng. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang châu Phi đạt gần 950 triệu USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang châu Phi, với các mặt hàng chính là gạo, cà phê, thủy sản…

Đánh giá về tiềm năng thị trường châu Phi, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù chiếm đến 65% diện tích đất có thể canh tác nông nghiệp của cả thế giới, các nước châu Phi luôn phải đối mặt với bài toán đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 1,3 tỷ dân. Hằng năm, châu Phi nhập khẩu ròng nông sản và phải nhập khẩu đến 74 tỷ USD giá trị nông sản thực phẩm các loại, bao gồm gạo, ngũ cốc, thủy sản, thịt, đường, sản phẩm sữa, thực phẩm chế biến.

Trong đó, 1/3 nhu cầu tiêu thụ gạo của châu Phi là phải nhập khẩu. 35% nhu cầu thủy sản của châu Phi cũng là nhờ nhập khẩu. Riêng cá đông lạnh nguyên con, mỗi năm châu Phi nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn. Việt Nam có nhiều tiềm năng và trên thực tế đang cung cấp các mặt hàng này cho châu Phi, đặc biệt đối với mặt hàng gạo và thủy sản.

Theo số liệu thống kê, năm 2020, thương mại nông sản đạt 3,1 tỷ USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Phi. Các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi chủ yếu là gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, hải sản (cá tra, tôm, cá basa, cá ngừ đóng hộp)...Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập tốt và có chỗ đứng tại thị trường châu Phi, được người dân sở tại ưa chuộng.

{keywords}
Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường châu Phi

Vượt qua các rào cản

Theo bà Lê Hoàng Oanh, hạn chế trong thương mại nông sản, thủy sản Việt Nam - châu Phi chủ yếu xuất phát từ việc cộng đồng doanh nghiệp hai hên chưa xây dựng được mối liên kết chặt chẽ và sâu sắc đủ để vượt qua các khó khăn về lòng tin, khoảng cách địa lý và thanh toán xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, hệ thống cơ quan đại diện ngoại giao, thương vụ của Việt Nam ở châu Phi cũng như hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của châu Phi ở Việt Nam còn mỏng. Chỉ có 10/55 nước châu Phi đặt cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam và Việt Nam cũng mới có đại diện ngoại giao tại 15/55 nước châu Phi, có thương vụ tại 5/55 nước châu Phi.

“Hệ thống cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại như vậy chưa đủ dày để hỗ trợ xây dựng, củng cố và phát triển mối liên hệ chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên”, bà Oanh nhận định.

Trong khi đó, bà Đào Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết,, tỷ trọng thanh toán của doanh nghiệp qua hệ thống các ngân hàng Việt Nam tại thị trường châu Phi còn rất thấp, chỉ chiếm 2% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Việc thiếu thông tin khách hàng, đối tác ngân hàng thương mại bên phía thị trường châu Phi khiến việc trao đổi thông tin còn nhiều hạn chế…

Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Nông lâm thủy sản đề xuất, thời gian tới, các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước châu Phi có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối với đối tác, tìm hiểu thị trường, giúp doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp thương mại, dự báo kiến nghị để doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh hợp lý.

Các đại biểu tại hội nghị cũng đánh giá tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi là rất lớn. Đồng thời nhất trí nhiều phương hướng và cách tiếp cận mới nhằm nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại nông sản hai bên thông qua đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, xúc tiến thương mại và chú trọng hơn nữa đến thúc đẩy giao thương trực tuyến.

Các ý kiến cũng lưu ý đến việc tăng cường kết nối hệ thống phân phối, liên kết giữa các doanh nghiệp, tận dụng các nền tảng kỹ thuật số trong nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu nông sản.

Trà lời báo chí Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng: 

Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi có ý nghĩa quan trọng về cả kinh tế và chính trị - xã hội.

Đứng trước cơ hội và thách thức trong hợp tác nông nghiệp nêu trên, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực, làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho nông sản, Bộ Ngoại giao xác định phải hết sức nỗ lực, sáng tạo thực hiện tốt "mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, vừa triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tình hình mới, ngoại giao kinh tế “đột phá - mở đường”, “đồng hành”, “phục vụ” với đối tượng trung tâm phục vụ là người dân, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam, vì sự nghiệp phát triển đất nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng tìm hướng đi mới cho hợp tác nông nghiệp. Tích cực hỗ trợ, tìm kiếm và cung cấp thông tin thị trường, hàng hóa nông sản. Tăng cường liên kết và kết nối cơ hội hợp tác nông nghiệp, nhất là trao đổi thương mại nông sản cho các địa phương, doanh nghiệp và công dân Việt Nam tại châu Phi và ngược lại.

Bộ Ngoại giao cũng tích cực tham gia tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và châu Phi, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước. 

Thu Hà