GS Nguyễn Tiến Dũng (ĐH Toulous, Pháp) quan sát rằng hầu hết những ý kiến liên quan đến ý tưởng dùng 12.000 tỷ đồng để đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ cho hệ thống giáo dục đều bỏ qua một số điểm quan trọng.

VietNamNet xin giới thiệu bài viết của GS Nguyễn Tiến Dũng và mong nhận được các ý kiến khác của độc giả theo địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn.

{keywords}

1. Thứ nhất là chất lượng muốn có ở mức nào? Mức Việt Nam (tương tự như mức trung bình của 23 nghìn (?) tiến sĩ hiện tại) hay mức quốc tế?

2. Nếu muốn chất lượng quốc tế, thì giá thành cũng quốc tế, tiền nào của đấy. Mà so với quốc tế thì 1,3 tỷ đồng là quá rẻ, ở Mỹ 5 năm làm tiến sĩ nhẹ ra tổng chi phí cũng là 300.000 USD, gấp 5 lần thế.

Phần lớn các thứ có chất lượng quốc tế ở VN đều có giá bán cao hơn thế giới, từ nhà cửa, xe cộ, thì không có cớ gì đòi tiến sĩ phải rẻ.

3. Tiến sĩ "quốc tế" thì cũng cần điều kiện làm việc và lương bổng "quốc tế", không thì sớm muộn sẽ "Việt Nam hóa", tức là trình độ càng ngày càng cùn đi về mức trung bình của Việt Nam.

Đây là điều mà chẳng có dự án nào nói đến, là điều đang làm phung phí tài nguyên chất xám của Việt Nam: do điều kiện đầu tư kém nên phần lớn các nhà khoa học ở Việt Nam ít phát huy được khả năng của mình.

Cần tạo điều kiện làm việc và lương bổng cho họ tốt hơn. Điều đó quan trọng hơn là tìm cách tăng số lượng giáo sư, tiến sĩ.

4. Có rất nhiều bạn trẻ đang bị ép làm tiến sĩ ở Việt Nam cho đủ số lượng dù bản thân không có nhu cầu.

Vì sao không? Bởi vì họ có theo nghiên cứu đâu, nghiên cứu thì “chết đói”, mà cũng chỉ ở mức "phát minh lại ra cái bánh xe" được thôi, theo làm gì.

Để dạy học thì bằng tiến sĩ cũng chẳng làm cho việc dạy tốt lên. Thực ra, để dạy đại học cho tốt ở những môn cơ bản không chuyên sâu, không quá hiện đại (và hầu hết các môn ở bậc đại học là thế) thì thà là thạc sĩ tử tế còn hơn là tiến sĩ ú ớ.

Giảng viên đại học và giáo viên phổ thông rất cần cập nhật, mở rộng bổ sung kiến thức thường xuyên, nhưng không có nghĩa là phải ép cho thành tiến sĩ, giả vờ nghiên cứu gì đó.

{keywords}
"Thực ra, để dạy đại học cho tốt ở những môn cơ bản không chuyên sâu, không quá hiện đại thì thà là thạc sĩ tử tế còn hơn là tiến sĩ ú ớ"

5. Bản thân quá trình làm tiến sĩ là "học" hay là "làm"? Tức là bản thân quá trình đó là một công việc được tính là có đóng góp cho xã hội, hay là "ăn bám"?

Theo cách tiếp cận hiện đại ở các nước tiên tiến thì "làm tiến sĩ" cũng là làm việc, theo nghĩa công việc có được trả lương, có hợp đồng lao động hẳn hoi. Ở một số nơi thì việc làm đó phải hiểu là việc assistant cho giáo sư, phụ giúp về nghiên cứu/ giảng dạy, và lương có thể bị trừ bớt đi khoản gọi là học phí nhưng có trừ thì vẫn còn đủ sống.

Điểm cơ bản ở đây là không ai "mất không" tiền cho ai cả, đây là "tôi thuê anh làm" thôi.

Những người nói "thích làm tiến sĩ thì tự bỏ tiền ra mà làm" là chưa thấy điều này: làm tiến sĩ phải hiểu cũng là một công việc, được người ta thuê làm thì mới làm, chứ nghiên cứu sinh trên thế giới ít ai tự bỏ tiền túi ra làm.

6. Cũng chính vì lý do trên, mà cơ hội làm tiến sĩ cho các bạn Việt Nam ở nước ngoài rất nhiều: Có rất nhiều nơi muốn "thuê" các bạn làm tiến sĩ, miễn là các bạn chứng tỏ được mình có đủ khả năng.

Bản thân tôi cũng đã giúp cho hàng chục bạn được "tuyển việc" làm tiến sĩ ở nước ngoài như vậy.

7. Vậy cần hiểu là tiền bỏ ra đào tạo tiến sĩ là tiền thuê người trẻ làm tiến sĩ, chứ chẳng phải là đầu tư vào rồi bắt họ phải trả ơn về sau, như thế sẽ sòng phẳng hơn.

Cứ cho là 1,3 tỷ cho 4 năm một người, tức 300 triệu một năm. Nghe có vẻ "to tát" nhưng thực ra đâu có nhiều quá, vì sau khi trừ các chi phí khác thì tiền cho nghiên cứu sinh may ra được trung bình 10 triệu đồng/ tháng.

10 triệu đồng có nhiều không đối với các thạc sĩ? Có nhiều ngành hiện tại mà thạc sĩ có thể có lương cao hơn 10 triệu đồng rồi.

Điều bất hợp lý hơn là khi mà sau khi có bằng tiến sĩ (cỡ quốc tế, ở trường tử tế ở nước ngoài) về Việt Nam thì lại "được" cho mức lương 3-5 triệu đồng ở đại học, dưới cả nghề giúp việc. Ở mức đó thì nghiên cứu cái gì, làm tiến sĩ để mà làm gì?

8. Có người nói "sao không ra ngoài mà làm, bám đại học của Nhà nước làm gì". Đúng vậy, nhưng chương trình đào tạo này là do nhu cầu của các đại học của Việt Nam đang quá thiếu tiến sĩ, cả về số lượng và chất lượng.

Để làm ngoài thì cần gì cái bằng tiến sĩ, miễn sao làm việc hiệu quả ra sản phẩm tốt là được. Chứ mức thu nhập 5 triệu đồng, tôi cũng có thể trả được (thậm chí chẳng cần bằng đại học, miễn sao thật thà và nhanh nhẹn) làm cho một dự án của tôi ở Việt Nam, cần gì giỏi giang đặc biệt, cần gì tiến sĩ!

Tóm lại, cần làm gì?

Đào tạo thêm tiến sĩ là cần thiết, và muốn đào tạo tất nhiên phải bỏ tiền ra. Nhưng không cần tạo một đống "tiến sĩ ép". Thay vào đó cần khuyến khích các chương trình cập nhật kiến thức cho giáo viên/ giảng viên không vì mục đích dán mác tiến sĩ.

Chuẩn chất lượng quốc tế là cần thiết. 1,3 tỷ đồng cho môt dự án làm tiến sĩ chất lượng quốc tế thì là ít chứ chẳng phải nhiều. Nhưng chất lượng đào tạo phải đi đôi với điều kiện làm việc và thu nhập, không thì chỉ là đầu voi đuôi chuột.

Hãy coi hợp đồng làm tiến sĩ là hợp đồng làm việc đối với nghiên cứu sinh. Bản thân các kết quả nghiên cứu giảng dạy của nghiên cứu sinh trong quá trình làm tiến sĩ là xứng đáng với tiền mà trường hay Nhà nước bỏ ra cho nghiên cứu sinh rồi, chứ đừng biến nghiên cứu sinh thành “con nợ”.

GS Nguyễn Tiến Dũng

Đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ: Bài học "kích cầu" của Đức

Đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ: Bài học "kích cầu" của Đức

TS Nguyễn Sỹ Phương cho rằng "để rút ngắn khoảng cách cả về số lượng lẫn chất lượng học vị tiến sĩ giữa ta với Âu Mỹ không thể không xuất phát từ nguyên lý, quy luật, điểm cân bằng “cung cầu"...".

Nóng bỏng đề án 9.000 tiến sĩ, ấm áp tri ân thầy cô

Nóng bỏng đề án 9.000 tiến sĩ, ấm áp tri ân thầy cô

Các ý kiến tranh luận xoay quanh đề án đào tạo 9.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ, lời chúc thiết thực của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trước thềm 20/11... là những điểm nhấn giáo dục trong tuần qua.

Sẽ chi 12.000 tỷ, đào tạo 9.000 tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục

Sẽ chi 12.000 tỷ, đào tạo 9.000 tiến sĩ phục vụ đổi mới giáo dục

Một đề án có tổng kinh phí 12.000 tỷ đồng với mục tiêu đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) sẽ được trình lên Chính phủ