Đề xuất với Hà Nội nói riêng và các địa phương về cách hiểu đúng chuyển đổi số là một nội dung vừa được Chủ tịch Công ty công nghệ DTT, ông Nguyễn Thế Trung chia sẻ tại hội thảo khoa học chủ đề “Các giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô” do Liên hiệp các hội KH&CN phối hợp với Hội Tin học Viễn thông Hà Nội tổ chức tháng 11 vừa qua.
Nhấn mạnh chuyển đổi số là tổng thể và toàn diện, ông Nguyễn Thế Trung cho hay, nếu hình dung chuyển đổi số là 1 tảng băng, thì những thứ chúng ta nhìn thấy về lợi ích nó mang lại như nhanh, tiết kiệm, dễ dàng, tiện lợi chỉ là phần nổi; còn phần chìm - những gì chúng ta cần làm lại rất nhiều như chấp nhận cái mới, đổi mới mô hình, hiệu quả đầu tư, thay đổi nền tảng công nghệ, an toàn thông tin, kinh doanh số, công dân số và liên thông dữ liệu.
Chuyển đổi số một địa phương là việc của chính nơi đó và phải xuất phát từ nhận thức, từ quyết tâm và mức độ nắm rõ tình hình thực tế. Cũng vì thế, mỗi địa phương là khác nhau, cần có những chiến lược, đề án hành động khác nhau.
Đề án chuyển đổi số không phải là một bản đề án ứng dụng công nghệ số, mặc dù công nghệ số đóng vai trò quan trọng để hiện thực hóa và tạo năng lực đột phá trong chuyển đổi số. “Một bản đề án phù hợp thường hoạch định cho giai đoạn từ 3 - 5 năm, mặc dù có thể đưa ra tầm nhìn dài hơn. Việc quan trọng là đề án phải đưa ra được các chương trình hành động vừa mang tính chiến lược vừa có khả năng thực hiện ngay”, ông Nguyễn Thế Trung nêu quan điểm.
Cũng trong tham luận tại sự kiện, chuyên gia Nguyễn Thế Trung đề xuất 3 sáng kiến để chuyển đổi số hướng tới Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại', đó là: Chính quyền như nền tảng đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, công nghệ số; Digital Hà Nội hướng tới phát triển bền vững và phát huy văn hóa; Phát triển kỹ năng số toàn dân thông qua mô hình giáo dục số trên Metaverse.
Thông tin tại sự kiện, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm và huy động các nguồn lực cho chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đang giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện “Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, Thành phố sẽ tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ cùng lộ trình cụ thể để các cấp, các ngành, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra tại Nghị quyết. “Chúng tôi nhận thức rõ, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, cần có sự tham gia, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình hiện thực hóa những mục tiêu của Nghị quyết”, ông Nguyễn Tiến Sỹ nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp công nghệ như Viettel, VNPT, CMC, Signify, Workit, Phenikaa Maas, Học viện STEM đã đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm tham gia chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh tại Hà Nội, ở nhiều lĩnh vực như văn hóa, nông nghiệp, giáo dục, giao thông, chiếu sáng đô thị…
Đại diện Ban tổ chức, Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&CN Hà Nội Lê Xuân Rao mong rằng thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng rộng rãi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.