Khu vực bãi bồi ven sông Hồng thuộc 2 phường Chương Dương, Phúc Tân có chiều dài 3,8km từ hàng chục năm qua không có nước chảy qua, hiện được một số người dân biến thành cánh đồng hoa màu phát triển tươi tốt.
Bãi giữa sông Hồng đã khô cạn hàng chục năm qua, là điểm vui chơi ưa thích của nhiều người dân Hà Nội. Sau một thời gian nhiều khu vực này bị khô cằn, cây cối đã mọc lên tươi tốt, thậm chí nhiều người "nhảy dù" xuống lấy đất trồng hoa màu.
Để hiện thực hóa “giấc mơ sông Hồng”, biến hai bên bờ sông và bãi giữa trở thành một không gian kiến trúc đô thị hiện đại, văn minh, sinh thái…, trở thành động lực để phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô, Đề án “Xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” đang thu hút được lấy ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, kiến trúc sư trong ngành.
Giới kiến trúc sư, ccs nhà nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng hành lang xanh cho khu vực Bãi Giữa, phát triển nơi đây theo mô hình công viên chuyên đề sinh thái – văn hóa – sáng tạo. Một số mô hình có thể triển khai tại đây là: Công viên chuyên đề du lịch sinh thái, công viên chuyên đề lịch sử văn hóa, công viên chuyên đề nông nghiệp, công viên chuyên đề khoa học, công viên chuyên đề sức khỏe (trồng vườn cây dược liệu)…
Năm ngoái, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) yêu cầu các phòng ban và phường Phúc Tân, Chương Dương khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thuộc quận.
Theo đó, quận Hoàn Kiếm sẽ kiến nghị thành phố Hà Nội sớm bàn giao bản đồ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000, đồng thời chấp thuận phương án 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên lập đề án phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng.
Trước đó, vào tháng 3/2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện khảo sát để mở rộng các dự án làm sạch sông Hồng trên địa bàn hai phường Phúc Tân và Chương Dương với mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng; lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch.
Việc tiến hành quy hoạch bãi giữa sông Hồng của quận Hoàn Kiếm nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, TP Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch 8 bãi sông Hồng.
Trong đó, 6 khu vực được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức. Riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).