Tính đến thời điểm 31/12/2021, diện tích rừng Việt Nam là 14.745.201 ha1, tương đương 148 nghìn km2, chiếm hơn 44,5% diện tích đất liền. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy rừng đang bị suy giảm, chưa có xu hướng phục hồi. Chính vì vậy, công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện đang là nhiệm vụ cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội, được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm.

Trong nhiều văn kiện, Đảng đã có những chỉ đạo về bảo vệ và phát triển rừng.

Tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta định hướng: “Áp dụng các biện pháp kinh tế và luật pháp cần thiết tăng nhanh tỷ lệ che phủ rừng, thực hiện nghiêm chỉnh lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ rừng đi đôi với việc giải quyết định canh định cư, giải quyết việc làm và cung cấp đầy đủ lương thực cho dân sinh sống với rừng; mở rộng diện tích các khu bảo tồn động thực vật hoang dã, các vườn quốc gia bảo vệ đa dạng sinh học”.

Tại Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng và thực hiện các hình thức khoán thích hợp cho cá nhân, hộ gia đình, tập thể bảo vệ và phát triển rừng. Bảo vệ các loài động vật hoang dã, các giống loài có nguy cơ bị tuyệt chủng; ngăn chặn sự xâm hại của các sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến con người và môi trường. Bảo vệ và chống thất thoát các nguồn gen bản địa quý hiếm”.

Gần 10 năm sau, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Đảng chỉ đạo: “Quản lý khai thác hợp lý, sớm chấm dứt khai thác rừng tự nhiên, nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên lên trên 3 triệu ha; nâng độ che phủ của rừng lên trên 45%”, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra là “bảo đảm diện tích đất cho phát triển rừng bền vững theo quy hoạch, đặc biệt là ở vùng núi Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên” và “bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng. Sớm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tăng cường quản lý, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có tại những nơi có đủ điều kiện và đẩy nhanh việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên mới. Ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên”.

Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Chỉ thị 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chỉ thị đã một lần nữa xác định trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng: “công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cần coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan”.

Tại Đại hội XIII, Báo cáo chính trị của Đảng đã nhận định, tình trạng “các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm”, “khai thác tài nguyên thiếu bền vững, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao”; đồng thời, xác định nhiệm vụ “tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, phải “quản lý chặt chẽ, bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái. Phát triển mạnh và nâng cao chất lượng trồng rừng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển”, Đảng đề ra mục tiêu “giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%”.

Theo quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác “xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên”.

Như vậy có thể thấy, trong rất nhiều chủ trương của Đảng, tinh thần xuyên suốt là coi trọng tài nguyên rừng, chú trọng việc bảo vệ và phát triển rừng. Gắn nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng bền vững với việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và giữ gìn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học.

Anh Phương, Ngọc Ánh, Diệu Bình