Không gian mạng là phương tiện nhiều lợi thế kết nối vạn vật. Ngoài những thế mạnh vượt trội cho nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển, tiến bộ, những ưu thế này cũng bị kẻ xấu lợi dụng triệt để phát tán những thông tin sai, xấu, độc. Hành động có trách nhiệm trên mạng là cách mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ mình, tôn trọng người khác và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tuân thủ luật pháp.
Thực tế cho thấy rõ, lợi dụng sự thuận tiện vượt trội của các nền tảng xuyên biên giới, những kẻ có ý đồ xấu ngày càng đẩy mạnh việc bơm, đẩy, kích thích phát tán thông tin xấu, độc. Cùng với việc một bộ phận tiếp cận với mạng xã hội chỉ vì sự tò mò, không quá bận tâm trong việc phân biệt thật - giả, trắng, đen nên tin xấu độc có đất sinh sôi, khó kiểm soát.
Xem thiếu chọn lọc
Một ngày cuối tháng 2/2023, tại quán trà đá ven phố Trần Thủ Độ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), người đàn ông chăm chú xem video trên điện thoại có nội dung sắp xếp, vị trí nhân sự cấp cao mà chưa có tờ báo chính thống hay cơ quan chức năng nào thông tin.
Chưa cần biết đúng sai, thông tin giả mạo từ video nhanh chóng trở thành câu chuyện bàn tán với những người xung quanh.
Thông tin xấu độc, giả mạo xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội cũng len lỏi vào nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa và muôn mặt đời sống xã hội…
Anh N.Đ.H. (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhiều chủ trang Fanpage, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội không rõ nguồn tin ở đâu nhưng đăng lên kiểu “chắc như đinh đóng cột”.
“Khi xem những video như thế tôi rất hoang mang và bất an. Những người ít theo dõi kênh thông tin chính thống, có lẽ họ tin tưởng ngay”, anh N.Đ.H. chia sẻ.
Ông Nguyễn Phong D. (51 tuổi, giám đốc một doanh nghiệp ở TP Thủ Đức) cho biết, từng nhiều lần xem livestream của bà Nguyễn Phương Hằng trong giai đoạn dịch Covid-19, giãn cách xã hội.
“Xem mãi thành quen, tôi mở hết kênh này sang kênh khác suốt ngày. Những lời bà Hằng nói trên các livestream khi đó không rõ thật - giả thế nào, giờ mới thấy có thời điểm như “u mê”, không phân biệt được đâu là tin giả, tin thật”, ông D. bộc bạch.
Dễ dãi khi lan tỏa
Trong khi đó, chị Nguyễn Tuyết L. (chủ quán cà phê ở đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng, tin giả hiện nay rất tinh vi, tràn lan trên mạng xã hội. Chị kể, có hôm xem Youtube thấy phao tin đồn nghệ sĩ này qua đời, vài bữa lại bịa tin người kia bị bắt, mục đích nhiều khả năng là câu view, kiếm tiền trên mạng.
“Nhiều người xem cảm thấy mặc nhiên thông tin đó là có, là đúng mà không kiểm chứng. Không ít người chia sẻ lên các trang cá nhân của mình rồi ngồi đếm like, tương tác rất thích thú”, chị L. kể.
Một chuyện vừa diễn ra. Anh L.T.L. (34 tuổi, ngụ tại xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) hú vía khi bấm chia sẻ tin giả, sai sự thật trên mạng về vụ bé trai 10 tuổi rơi xuống ống trụ bê tông.
Cụ thể, sau nhiều ngày ngóng trông lực lượng chức năng đưa thi thể bé trai lên nhưng chưa có kết quả, tình cờ trong một lần xem trên mạng xã hội có thông tin cho rằng, vụ bé 10 tuổi rơi xuống ống trụ bê tông sâu 35m là không có thật, anh T. lập tức chia sẻ.
“Sau đó, thấy mọi người bất ngờ và nghi ngại về thông tin nói trên nên tôi vào các báo điện tử đọc thì thấy nội dung mình chia sẻ là không đúng”, anh L. cho biết và nói đây là bài học cho mình khi chia sẻ thông tin trên mạng.
Anh H.N.Q. (28 tuổi, trú tại tỉnh TT-Huế) cũng cho rằng, trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay như Facebook, Zalo, Youtube…, người dân nếu không tỉnh táo dễ bị lôi vào những clip, video có tính đu bám vào những sự kiện mới diễn ra, vấn đề đang được quan tâm để bơm thổi thông tin giả mạo.
“Bản thân tôi có thói quen, mỗi lúc rảnh rỗi, ngồi uống cà phê thường hay lướt mạng xã hội để xem và nghe các vấn đề chính trị, thời sự.
Lúc đầu chỉ lướt xem qua nhưng mình càng xem thì tần suất xuất hiện của những vấn đề quan tâm ngày càng nhiều, hoặc nhiều lúc đang xem tin này, tin khác đã xuất hiện gợi ý.
Hầu hết, các vấn đề đã được báo chí chính thống, cơ quan chức năng đăng tải nhưng nếu để ý, một số trang mạng khi xây dựng bài viết, làm video sẽ cắt ghép và lồng vào các bình luận sai trái.
Những người trẻ như tôi còn có thể phân biệt được nhưng với những người lớn tuổi hay người ít xem thông tin trên báo chí chính thống sẽ khó phân biệt đâu là tin giả, đâu là tin thật. Từ đó, họ chia sẻ cho người khác”, anh Q. chia sẻ.
Theo ông Phan Bá Mạnh, CEO & Founder Công ty Công Nghệ AN VUI, Chat GPT (Generative Pre-trained Transformer) là một mô hình học sâu được đào tạo trên cơ sở dữ liệu lớn về ngôn ngữ tự nhiên. Nó đã được phát triển bởi OpenAI và được sử dụng rộng rãi cho các tác vụ liên quan đến ngôn ngữ tự nhiên, như xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), phân loại văn bản và dịch thuật.
Chat GPT có thể tạo ra các dự đoán văn bản chính xác và được coi là một trong những công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến nhất trong lĩnh vực này.
Mô hình hoạt động của Chat GPT được xây dựng trên kiến trúc Transformer, một mô hình học sâu được đề xuất bởi Vaswani et al. (2017). Nó sử dụng các lớp kết nối trực tiếp để học cách chuyển đổi dữ liệu đầu vào thành đầu ra. Mô hình này được đào tạo trên một lượng lớn dữ liệu văn bản và có khả năng tạo ra các dự đoán văn bản chính xác.
Tuy nhiên, Chat GPT cũng có những hạn chế và các vấn đề cần được quan tâm khi sử dụng. Lợi ích của Chat GPT là một công cụ hữu ích trong nhiều lĩnh vực, bao gồm giáo dục, kinh doanh, y tế, pháp lý, và truyền thông. Chat GPT có thể tạo ra các dự đoán văn bản chính xác và giúp tăng cường khả năng xử lý thông tin tự nhiên của máy tính, giúp cho các tác vụ xử lý ngôn ngữ tự nhiên trở nên dễ dàng hơn.
Ví dụ, Chat GPT có thể được sử dụng để tạo ra các câu hỏi và câu trả lời cho các bài kiểm tra trực tuyến và cung cấp thông tin chính xác và nhanh chóng cho người dùng. Hơn nữa, Chat GPT cũng có thể giúp các doanh nghiệp nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng cách cung cấp dịch vụ trò chuyện trực tuyến nhanh chóng và dễ dàng. Chat GPT có thể trả lời các câu hỏi phổ biến từ khách hàng, giúp tiết kiệm thời gian và nỗ lực cho doanh nghiệp. Chat GPT cũng có thể giúp đối tác và khách hàng cùng nhau thảo luận và giải quyết các vấn đề, đưa ra các ý tưởng mới, và cải thiện quá trình làm việc.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề chính của Chat GPT là việc nó có thể tạo ra thông tin sai lệch. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi Chat GPT được sử dụng để tạo ra nhằm mục đích lan truyền thông tin giả, lừa đảo và bôi nhọ.
Ở khía cạnh chính trị, tôn giáo, rất có thể Chat GPT sẽ bị lợi dụng và cung cấp cho những thông tin sai lệch nhằm tuyên truyền trục lợi, bóp méo.
Vì vậy, ông Phan Bá Mạnh cho rằng, người dùng cần phải cẩn thận và không hoàn toàn tin tưởng vào các câu trả lời được tạo ra bởi hệ thống. Đặc biệt, khi sử dụng Chat GPT cho các mục đích như tạo tin tức giả, lừa đảo hoặc gây rối, người dùng cần phải thận trọng và tuân thủ các quy định về việc phát tán thông tin sai lệch, giả mạo, hay gây nhiễu loạn trật tự công cộng.
Việc đào tạo Chat GPT cũng cần phải được thực hiện bởi các chuyên gia có trình độ cao và có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực cần học để tránh tình trạng mất kiểm soát và tạo ra thông tin sai lệch.
Ngoài ra, Chat GPT cũng không thể hiểu được ngữ cảnh và tình huống của một câu hỏi hay một bài viết, do đó khi sử dụng nó, cần phải chú ý đến cách đặt câu hỏi hoặc sử dụng ngôn ngữ phù hợp để giúp Chat GPT hiểu rõ hơn và đưa ra những câu trả lời chính xác hơn.
“Trong bối cảnh hiện nay, Chat GPT đang trở thành một xu hướng lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và ngôn ngữ tự nhiên. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin được đưa ra bởi Chat GPT, chúng ta cần phải cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái thông tin đầy đủ, đáng tin cậy, đồng thời tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức của người dùng về các vấn đề liên quan.
Đặc biệt, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, xử lý nghiêm những đối tượng cung cấp thông tin giả mạo tận dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để tuyên truyền sai sự thật”, ông Phan Bá Mạnh nói.
Kỳ cuối: Chỉ xóa, gỡ thông tin xấu độc là chưa đủ