Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), so với các nước tiên tiến trên thế giới, lượng phát thải khí nhà kính do các hoạt động giao thông vận tải tại Việt Nam khá cao, chủ yếu do phương tiện cũ, lạc hậu, tuổi đời cao; kết cấu hạ tầng chất lượng kém, kết nối chưa thuận lợi dẫn đến nhiều điểm ách tắc giao thông; tổ chức vận tải chưa hiệu quả, vận tải đường bộ chiếm thị phần cao, tỷ lệ xe chạy rỗng lớn, giao thông công cộng chiếm tỷ trọng khiêm tốn tại các đô thị.
Trước thực trạng này, Bộ GTVT vừa ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn đến năm 2030.
Theo đó, bộ này đặt ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 5,9% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng giảm 45,62 triệu tấn CO2 trong toàn giai đoạn.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ GTVT đề ra 10 biện pháp và lộ trình thực hiện.
Trong đó, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; đến năm 2030 bảo đảm 100% xe máy đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu 2,3 lít/100km.
100% ô tô con sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới đạt định mức tiêu thụ nhiên liệu như sau: Dung tích động cơ dưới 1400cc đạt 4,7 lít/100km; dung tích động cơ từ 1.400-2.000cc đạt 5,3 lít/100km; dung tích động cơ trên 2.000cc đạt 6,4 lít/100km.
Tỷ lệ áp dụng cho phương tiện mới lần lượt là 30% vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029 và 100% vào năm 2030.
Về biện pháp chuyển đổi từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội là 45-50%, TPHCM 25%, đô thị loại I ít nhất 5%.
Đến năm 2030, có một tuyến xe buýt nhanh BRT/xe buýt chất lượng cao hoạt động tại Hà Nội, hai tuyến buýt nhanh BRT/xe buýt chất lượng cao hoạt động tại TPHCM và một tuyến buýt nhanh BRT/xe buýt chất lượng cao hoạt động tại Đà Nẵng.
Cùng với đó, Bộ GTVT đặt mục tiêu chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang các phương thức vận tải thân thiện môi trường như đường sắt, đường thủy nội địa và đường ven biển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thủy; khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, sử dụng 100% xăng E5 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vào năm 2030...
Đặc biệt, Bộ GTVT đặt ra lộ trình đến năm 2030, ô tô điện đạt tỷ lệ 30%; xe máy điện chiếm 22% tổng số xe máy sử dụng. Đến năm 2025, bắt đầu sử dụng xe buýt điện và ước đạt tỷ lệ sử dụng 30% vào 2030.
Giao thông vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát thải khí nhà kính, lớn thứ ba sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển hàng năm.
Theo dự báo, tại nước ta mỗi năm phát thải khí nhà kính sẽ tăng trung bình 6-7%, đạt gần 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Trong đó, vận tải đường bộ là nguồn phát thải CO2 cao nhất, chiếm khoảng 80% lượng phát thải toàn ngành, vận tải đường thủy (gồm thủy nội địa và ven biển) chiếm 10%; hàng không chiếm 6%; đường sắt là không đáng kể.
Tính theo đơn vị sản lượng vận tải, vận tải đường thủy phát thải thấp nhất, sau đó đến đường sắt, hàng không và cuối cùng là đường bộ có mức phát thải cao nhất.