Có thể nhận thấy lượng quà biếu tặng lớn nhất trong năm chính là vào dịp Tết Nguyên đán.

Một năm, một vòng đời có bao nhiêu dịp người ta được nhận quà, và cũng đi tặng quà cho người khác. Theo truyền thống, trước Tết Nguyên đán mọi người thường biếu tặng quà Tết cho cha mẹ, người thân, người ơn nghĩa, thầy giáo... vào dịp Trung thu thì tặng đồ chơi cho trẻ nhỏ, biếu ông bà cha mẹ, thầy giáo hộp bánh, trái cây. Sau này có thêm các ngày lễ theo phương Tây như Giáng sinh, Tết Dương lịch, ngày Tình nhân, ngày Phụ nữ 8-3, ngày Nhà giáo 20-11, rồi “phú quý sinh lễ nghĩa” có dịp sinh nhật, thôi nôi, đám cưới, tân gia... những món quà trao trong dịp này “thay lời muốn nói” chứa đựng trong nó bao ý nghĩa tốt đẹp.

Tặng quà là một hành vi văn hóa. Ông bà xưa dạy “của cho không bằng cách cho” bởi vì món quà không chỉ có giá trị vật chất mà còn gói ghém tình cảm của người tặng, sự tri ân với người nhận quà. Đồng thời ông bà cũng dặn “của biếu là của lo, của cho là của nợ” để con cháu hiểu không phải lúc nào cũng đi biếu quà hay nhận quà; mỗi khi biếu hay nhận quà thì hãy nghĩ đến “hậu quả”. 

{keywords}

Để xây dựng một chính phủ liêm chính cần bắt đầu từ việc giáo dục, đào tạo những con người có lòng tự trọng.

Từ những món quà nho nhỏ mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn, theo sự phát triển của kinh tế - xã hội, những món quà cũng thay đổi hình thức, thay đổi giá trị theo xu hướng sang hơn, đắt hơn... Tốt thôi, nếu đi cùng với món quà là sự quý mến, chân thành và tôn trọng nhau, khi đó một món quà phù hợp với hoàn cảnh, với mối quan hệ giữa người biếu tặng và người nhận quà sẽ không trở thành “món nợ”.

Có thể nhận thấy lượng quà biếu tặng lớn nhất trong năm chính là vào dịp Tết Nguyên đán. Vào dịp này ở nhiều nơi việc đi lại biếu tặng cấp trên đã trở thành “thông lệ” mà lâu nay được gọi bằng hai từ “biếu xén” mang nghĩa tiêu cực, không còn là nét đẹp văn hóa như ý nghĩa của nó. Tết nhất nhân viên đến nhà sếp, sếp nhỏ đến nhà sếp lớn hơn, đến để “điểm danh”, đến để cậy nhờ chút ân huệ “mưa móc” cho năm sau, kèm theo những món quà, những phong bao ngày càng “trên mức tình cảm” mang ý nghĩa trục lợi... Rồi không chỉ là ngày Tết, bất cứ “ngày” gì cũng có thể biến thành một cơ hội để “quà cáp”, để tăng thêm sự “ràng buộc” lỡ sau này xảy ra chuyện gì cũng không thể bỏ nhau vì “há miệng mắc quai”.

Quà cáp biếu xén không chỉ là hối lộ cấp trên hay nhũng nhiễu cấp dưới một cách trá hình mà nó để lại nhiều hệ lụy. Thực trạng này càng kéo dài thì bộ máy nhà nước càng trì trệ bởi những “quy trình” không được vận hành bằng luật pháp.

Từ bao nhiêu năm rồi, cứ những ngày cuối năm là Hà Nội nườm nượp các “quan” địa phương đổ về trung ương... Nhưng mãi đến năm nay mới có một lãnh đạo cấp cao của Nhà nước thẳng thắn thừa nhận và công khai yêu cầu “các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết”. Cần phải ghi nhận đó là nỗ lực nhằm hạn chế một hiện tượng tiêu cực, người ta bắt đầu kỳ vọng về hình ảnh mới của một chính phủ liêm chính.

Tuy nhiên, “tặng quà” tự thân nó là một hành vi văn hóa đồng thời thể hiện văn hóa của chủ thể (người tặng) và đối tượng (người nhận), cho nên khi hành vi này bị biến tướng, lạm dụng, tức là bị làm cho “lệch chuẩn” thì chỉ có thể điều chỉnh nó “trở lại chuẩn” cũng bằng văn hóa.

Văn hóa trong biếu tặng quà bắt đầu từ lòng tự trọng. Tự trọng thì hiểu đúng ý nghĩa và thực hiện đúng mực hành vi biếu tặng nhận quà. Tự trọng thì không nhũng nhiễu tham lam, không coi việc cấp dưới tặng quà cáp là “đương nhiên”, tự trọng thì không nịnh nọt biếu xén hối lộ cấp trên để mưu đồ tư lợi. Tham nhũng, hối lộ, chạy chọt chức quyền không thể là liêm chính! Do đó, có lòng tự trọng thì mới có sự liêm chính. Quan chức tự trọng mới có chính phủ liêm chính.

Để xây dựng một chính phủ liêm chính cần bắt đầu từ việc giáo dục, đào tạo những con người có lòng tự trọng.

Theo Nguyễn Thị Hậu/Thời báo kinh tế Sài Gòn

Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt