Sự kiện kiện bé trai học sinh lớp 1 trường Gateway được báo cáo là bị bỏ quên và tử vong trong ô tô làm chấn động dư luận cả nước. Trước thông tin gây sốc này, không ai là không đau đớn, thương xót về sự ra đi tức tưởi của một sinh linh bé bỏng vì sự tắc trắch, cẩu thả và tựu trung là sự vô trách nhiệm cả trực tiếp và gián tiếp của người lớn.
Nhưng trẻ bị tử vong thương tâm do sự cẩu thả, vô trách nhiệm của người lớn không phải là chuyện hiếm gặp mà ngược lại, ở nước ta hàng năm có hàng nghìn trẻ nhỏ chết oan uổng vì các loại tai nạn.
Dù rất đau lòng, nhưng vẫn phải dẫn ra một số số liệu để làm hồi chuông cảnh tỉnh mọi người từ thường dân tới quan chức trong việc bảo vệ trẻ em.
Mấy năm nay, năm nào cũng có các cháu nhỏ bị rơi từ các chung cư cao tầng và tử vong vô cùng thương tâm. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng (31/3 đến 24/4/2019), ở Hà Nội đã có 3 cháu bị tử vong vì nguyên nhân này. [1]
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, giai đoạn 2015-2017, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước (trung bình mỗi ngày có trên 5 trẻ em tử vong do đuối nước). Đây là một con số cao khủng khiếp đến khó tin. Người viết bài buộc phải kiểm chứng nhiều nguồn tin và đó là một sự thật đau đớn.
Với con số trên đây, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao nhất các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. [2]
Không chỉ có vậy, trẻ em nước ta còn phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy khác như nạn bạo hành gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, buôn bán trẻ em, trẻ sơ sinh bị vứt bỏ bất cứ nơi nào…
Học sinh Trường Gateway đến trường sáng 7/8 bằng dịch vụ xe đưa đón. Ảnh: Phạm Hải |
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em. Trong đó có 1.269 vụ án xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 82% tổng số vụ xâm hại trẻ em), với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. [3]
Bà Lesley Miller Phó trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho biết: “Bạo lực trẻ em rất phổ biến ở Việt Nam, có đến 68,4% trẻ em Việt Nam (dưới 18 tuổi) từng ít nhất một lần bị bạo lực dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục...” Bà nhấn mạnh: "Đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi ở Việt Nam vẫn có nhiều vụ việc không được báo cáo." [4]
Không chỉ các vấn nạn trên đây, trẻ nhỏ vùng sâu vùng xa và nhiều vùng nông thôn còn phải đối mặt với tình cảnh thiếu ăn, thiếu mặc; tình trạng suy dinh dưỡng, thất học.
GS.TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam cho biết, nước ta hiện có hơn 1,2 triệu trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và trên 2 triệu trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. [5] Đây là một con số báo động về thể chất của trẻ em ở nước ta.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT và UNICEF công bố ngày 11/9/2014: “Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chưa bao giờ đi học khá cao, và đặc biệt cao đối với học trẻ em một số nhóm dân tộc thiểu số. Chung cả nước có 2,57% trẻ em từ 5-17 tuổi chưa bao giờ đi học. Dân tộc Mông có tỷ lệ trẻ em từ 5-17 tuổi chưa bao giờ đi học, cao nhất trong các nhóm dân tộc thiểu số với 23,02%”. [6]
Khách quan mà nói, các vấn nạn và tình trạng trên đây đối với trẻ em ở quốc gia nào cũng có, kể các nước phát triển. Nhưng với Việt Nam số lượng trẻ em lâm vào các vấn nạn và các tình trạng đó có số lượng và tỷ lệ cao đến mức báo động.
Trong khi đó, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em (năm 1990). Việt Nam cũng đã ban hành Luật Trẻ em. Rồi hàng năm, chúng ta tổ chức tháng Hành động vì trẻ em, với khẩu hiệu rầm rộ: "Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội", “Vì thế giới ngày mai hãy chung tay chăm sóc trẻ em”. Các tổ chức chính trị, xã hội cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo về chủ đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em …
Qua đó cho thấy, về chủ trương cũng như tuyên truyền giáo dục, Việt Nam đã rất quan tâm công tác tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Vậy tại sao trẻ em ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề đau lòng đến vậy?
Để phần nào lý giải câu hỏi này, người viết bài xin trích tư liệu dưới đây trong bài viết “những đứa trẻ xấu số) của tác giả Trần Hương Thùy (đăng báo điện tử Vnexpress ngày 8/8/2019), nói về chủ đề bảo vệ trẻ em ở Mỹ - nước chưa ký vào Công ước Quyền Trẻ em của Liên hiệp Quốc:
“Có một câu chuyện nổi tiếng trên truyền thông Mỹ mấy năm nay. Bé gái Leslie 9 tháng tuổi nghịch máy uốn tóc và bị một vết bỏng ở chân. Bà mẹ đơn thân Mercedes không cho con đi khám mà tự chăm sóc tại nhà. Vụ việc được thông báo cho chính quyền. Nhân viên của cơ quan bảo vệ trẻ em có mặt và yêu cầu được xem xét vết thương của Leslie. Mercedes chống đối. Chính quyền nhận định rằng cô không đủ năng lực nuôi dạy các con. Họ quyết định cách ly cả hai đứa con khỏi mẹ.
Để giành lại quyền nuôi con, Mercedes phải tham gia các khóa học làm cha mẹ được chỉ định, các hội thảo về đảm bảo an toàn cho trẻ em. Mercedes bị yêu cầu phải cai nghiện ma túy. Nơi ở của cô được kiểm tra đột xuất thường xuyên. Cuộc chiến giành lại quyền nuôi con của Mercedes kéo dài hơn chục năm trời. Trong suốt thời gian đó, hai đứa trẻ được giao cho các cha mẹ nuôi được chính quyền lựa chọn.
Câu chuyện của Mercedes, bắt đầu từ một vết bỏng, là một ví dụ điển hình cho những vụ cha mẹ mất quyền nuôi con diễn ra thường xuyên khắp nước Mỹ. Việc thi hành các chính sách bảo vệ trẻ em tại đất nước này tuy còn bất cập, ẩn chứa sự cực đoan và phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, được ghi nhận ở đây là một thái độ, một quan điểm bảo vệ trẻ em thực tế và quyết liệt.” [7]
Đoạn trích trên đây dù ngắn gọn nhưng đã chỉ ra một điều, muốn thực hiện tốt chủ trương chính sách bảo vệ trẻ em, đảm bảo cho trẻ em có một tương lai tốt đẹp thì không dừng lại ở khẩu hiệu, ở các cuộc ra quân rầm rộ của các tổ chức chính trị, xã hội mà điều cốt yếu là chủ trương phải được luật hóa cụ thể; được thực thi nghiêm minh, rốt ráo của các cơ quan hành pháp và tư pháp.
Vì vậy để công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nước ta đạt kết quả như mong muốn, trên cơ sở có chủ trương đúng, phải có quyết sách gắn với thực tế và trên hết là phải duy trì pháp luật nghiêm minh, hành động quyết liệt. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đưa đến cho trẻ em một cuộc sống tốt đẹp.
Để thật lòng và thật sự trách nhiệm trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, mỗi người cần phải nhận thức được chân lý, đó là trẻ em hôm nay có được hưởng cuộc sống tốt đẹp thì tương lai dân tộc mới tốt đẹp, nòi giống mới trường tồn.
Nguyễn Huy Viện
Tài liệu tham khảo
[1].https://tintuconline.com.vn/thoi-su/bao-dong-lien-tiep-xay-ra-nhung-vu-tre-o-nha-mot-minh-bi-roi-tu-tang-cao-chung-cu-xuong-dat-tu-vong-n-390468.html
[2].https://tuoitre.vn/duoi-nuoc-cuop-di-sinh-mang-cua-hon-2000-tre-em-viet-moi-nam-20180627161033008.htm
[3].https://dantri.com.vn/xa-hoi/1141-tre-em-bi-xam-hai-tinh-duc-trong-nam-2018-2019011217304825.htm
[4].https://tuoitre.vn/gan-70-tre-em-viet-nam-tung-bi-bao-hanh-xam-hai-20190418102323645.htm
[5].https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/hon-2-trieu-tre-viet-duoi-5-tuoi-suy-dinh-duong-thap-coi-496437.html
[6].https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ty-le-tre-em-chua-bao-gio-di-hoc-dac-biet-cao-o-nhom-dan-toc-thieu-so-1411060543.htm
[7].https://vnexpress.net/goc-nhin/nhung-dua-tre-xau-so-3964925.html