Lập luận về tính cần thiết xây dựng dự luật Phòng, chống mua bán người tại Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Công an cho biết, sau gần 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người đã bộc lộ nhiều bất cập, trong đó có những quy định không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phòng, chống mua bán người và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật.
Nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ Công an khẳng định, việc sửa Luật là rất cấp thiết nhằm khắc phục các khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống mua bán người.
Từ các bất cập hiện hữu, Bộ Công an đề xuất sửa đổi 4 chính sách lớn tại dự thảo lần này.
Trong đó, để xác định nạn nhân của tội phạm mua bán người, dự luật bổ sung quy định một số khái niệm về mua bán người; chuyển giao hoặc tiếp nhận chuyển giao; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp.
Dự luật cũng quy định cụ thể các tiêu chí để xác định một người là nạn nhân bị mua bán, như tiêu chí giấy tờ, tài liệu và tiêu chí thực tế nhằm nhanh chóng, kịp thời xác định nạn nhân của các vụ mua bán người để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Quy định này cũng để hỗ trợ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong điều tra xử lý các vụ việc mua bán người cũng như góp phần giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho các đối tượng bị mua bán, ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chính sách tiếp theo, dự luật quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Theo đó, quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như đối với nạn nhân mua bán người; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chế độ hỗ trợ này. Mục tiêu nhằm tổ chức thực hiện tốt an sinh xã hội cho các đối tượng đang trong quá trình xác định là nạn nhân và hỗ trợ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong giải quyết việc hỗ trợ các đối tượng đang bị bất ổn về sức khỏe, tâm sinh lý và có thể là nạn nhân của mua bán người.
Tại dự thảo, Bộ Công an cũng đề xuất cơ chế, chính sách để nâng cao chế độ hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân theo hướng nâng mức tiền ăn, trợ cấp khó khăn ban đầu, cho vay vốn...
Đề xuất chính sách cuối là quy định cho phép thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân (cả với người Việt Nam và người nước ngoài) với thủ tục đơn giản, thuận tiện nhưng chặt chẽ phù hợp các quy định của pháp luật có liên quan.
Với tính cấp thiết của việc sửa đổi luật kể trên, Bộ Công an kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội đưa dự án Luật Phòng, chống mua bán người vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội Khóa XV; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).