Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT từ các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội... kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế chính sách cho CNTT như chính sách ưu đãi, phát triển nhân lực.

Chia sẻ trong cuộc họp báo cáo tình hình triển khai tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT sáng nay, 13/7, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng thẳng thắn thừa nhận, sau 10 năm ban hành, đã nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc tại các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức khi triển khai Luật CNTT trong thực tế.

Đó có thể là sự chồng chéo giữa nhiều văn bản, quy định hiện hành, khiến địa phương, doanh nghiệp lúng túng không biết phải "theo ai", đó cũng có thể là sự thiếu liên thông giữa các cơ sở dữ liệu của địa phương, bộ, ngành...Nguồn kinh phí cho ứng dụng và phát triển CNTT còn hạn hẹp, hệ thống các văn bản hướng dẫn Luật vẫn còn thiếu, hoặc đã có chủ trương trong Luật nhưng lại chưa được triển khai đầy đủ như ưu đãi cho công nghiệp, nhân lực CNTT....

{keywords}
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT của các đơn vị tập trung đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách cho lĩnh vực này.

Thứ trưởng Hưng khẳng định, dịp tổng kết 10 năm Luật CNTT chính là cơ hội để khắc phục, giảm thiểu những bức xúc đó. Tuy nhiên, nội dung tổng kết nên tập trung vào hai lĩnh vực là ứng dụng CNTT và công nghiệp CNTT, tránh đi sâu đánh giá, tổng kết những mảng như hạ tầng CNTT, An toàn thông tin... đã có Luật riêng quy định.

Theo phân công của Bộ TT&TT, có 8 đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng các Báo cáo tổng kết Luật CNTT là Vụ CNTT, Cục Tin học hóa, Cục ATTTT, Vụ Pháp chế, Vụ KHCN, Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Bộ. Một số đơn vị được giao phối hợp gồm có Viện Công nghiệp phần mềm & Nội dung số, Cục Viễn thông, VNNIC. Thời hạn nộp báo cáo là ngày 30/6 vừa qua. Tuy nhiên, theo Vụ CNTT, tính đến ngày 12/7 thì mới có 4 đơn vị gửi báo cáo về cho Vụ là Cục Tin học hóa, Cục ATTT, Thanh tra và VNNIC.

Đối với các Bộ, ngành khác, cũng tính đến thời điểm nói trên, mới có 8 đơn vị gửi báo cáo là Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và Thông tấn xã Việt Nam. Tương tự, cũng mới chỉ có 26/63 tỉnh, thành phố gửi báo cáo. Nhiều địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng chưa có báo cáo. 7 doanh nghiệp, hiệp hội đã gửi báo cáo là Hiệp hội An toàn thông tin VNISA, Tập đoàn VNPT, Ngân hàng Quân đội, Tổng công ty Đường sắt VN, Tổng công ty Hàng không VN, Tập đoàn Bảo Việt, Ngân hàng BIDV.

Tổng hợp từ các báo cáo đã có, Vụ CNTT cho biết, các đề xuất nói chung tập trung vào việc cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CNTT cho phù hợp hơn với thực tế ứng dụng và phát triển CNTT hiện nay. Bên cạnh đó, một số đề xuất xoay quanh vấn đề hoàn thiện cơ chế chính sách cho CNTT như chính sách ưu đãi, phát triển nhân lực, các quy định về quản lý đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật...

Trong thời gian tới, Vụ CNTT dự kiến sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, tập trung xác định những bất cập chính, các khó khăn và kiến nghi, đề xuất bổ sung nội dung Luật bên trong những báo cáo này. Trong tháng 7 và tháng 8, Vụ có thể sẽ tổ chức những Hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước để góp ý cho Luật. Ngoài ra, một đoàn công tác nhằm đánh giá tình hình triển khai tổng kết Luật tại Hà Giang và Yên Bái cũng sẽ được tổ chức.

Phiên bản dự thảo lần 4 của Báo cáo tổng kết sẽ được hoàn thiện trong tuần đầu tháng 9 để có thể kịp lấy ý kiến, chỉnh sửa và công bố Báo cáo trong Quý IV/2016.

T.C