Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều 22/2.

Không làm phát sinh chi phí, nhân lực

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự luật này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nêu thực tế, công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Do đó, tùy tình hình an ninh trật tự trong từng thời điểm cần phải có biện pháp cảnh vệ phù hợp cho từng đối tượng phù hợp. 

Thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ, lực lượng cảnh vệ đã và đang triển khai công tác cảnh vệ đối với nhiều đối tượng khác theo đề nghị của các bộ, ban, ngành mà không thuộc đối tượng theo quy định.

lequochung.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng

Đó là những trường hợp cấp thiết khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp cần áp dụng ngay các biện pháp, kịp thời ngăn chặn tình huống xảy ra để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; hoặc để kịp thời đáp ứng công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước theo nguyên tắc đối đẳng quan hệ. 

Theo Thứ trưởng Công an, việc thực hiện nhiệm vụ này không làm phát sinh nguồn lực tài chính vì thực tế nhiệm vụ này đã và đang được thực hiện trên cơ sở cân đối nguồn lực, tài chính hiện tại, do vậy không làm phát sinh chi phí, nhân lực.

Tính từ ngày 1/7/2018 đến nay, trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ đối với 56 đoàn, trong đó Ban Đối ngoại Trung ương 17 đoàn; Bộ Ngoại giao 6 đoàn; Tòa án Nhân dân tối cao 3 đoàn; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao 1 đoàn; Bộ Công an 22 đoàn; các bộ, ngành khác là 7 đoàn.

Đối với bảo vệ trụ sở cơ quan như trụ sở các ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định của Luật Cảnh vệ không phải là khu vực trọng yếu tuy nhiên theo yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn Bộ Công an vẫn triển khai công tác bảo vệ. 

Xuất phát từ thực tế nêu trên, Chính phủ cho rằng, cần thiết bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Nhiệm vụ hệ trọng của quốc gia, luôn được ưu tiên hàng đầu

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý nhất trí với quy định này của dự thảo luật. Bởi bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ hệ trọng của quốc gia, luôn được ưu tiên hàng đầu. 

Luật Cảnh vệ hiện hành quy định “Căn cứ tình hình an ninh chính trị trong từng giai đoạn, khi xét thấy cần thiết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung đối tượng cảnh vệ và việc áp dụng biện pháp”. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này còn gặp khó khăn, chưa bảo đảm tính kịp thời đã tác động, ảnh hưởng đến tính hiệu quả. 

letantoi.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới

Để khắc phục bất cập trên và bảo đảm tính linh hoạt, cần thiết giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với một số trường hợp cụ thể. 

Có ý kiến đề nghị quy định ngay trong luật các trường hợp cụ thể, sau đó mới giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ. Một số ý kiến đề nghị làm rõ “trường hợp cần thiết” ngay trong luật này để tránh việc áp dụng tùy nghi, thiếu thống nhất. 

Một số ý kiến chưa nhất trí với việc bổ sung quy định này trong luật, vì cho rằng biện pháp cảnh vệ áp dụng khi có đối tượng cảnh vệ nên trường hợp không có đối tượng cảnh vệ mà vẫn áp dụng biện pháp cảnh vệ là không hợp lý.

Bởi Luật Công an nhân dân đã quy định Công an nhân dân có nhiệm vụ áp dụng các biện pháp để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra, Luật Cảnh vệ đã quy định về trường hợp ngoại giao khi có khách mời của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước hoặc khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không phải là đối tượng cảnh vệ khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế để áp dụng một hoặc các chế độ cảnh vệ.

Về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ (khoản 12 Điều 1), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đối tượng cảnh vệ, nhất là các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài, nhưng lực lượng cảnh vệ không đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thì được thuê. 

Trong thực tế, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đi đối ngoại tại một số quốc gia như Mỹ, Nhật, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc… thì việc áp dụng biện pháp, chế độ cảnh vệ gặp nhiều khó khăn do sự khác nhau giữa pháp luật Việt Nam với các quốc gia đó.

Do đó, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với việc bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ và phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Công an là người có thẩm quyền quyết định việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ các  lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài cho phù hợp và tập trung nguồn lực thực hiện qua Bộ Công an. 

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ phạm vi, trường hợp, chế độ thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật; đánh giá tác động về an ninh, an toàn cho đối tượng cảnh vệ và ngân sách nhà nước.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc thuê lực lượng khác ngoài lực lượng cảnh vệ, vì cho rằng việc bảo vệ những đối tượng cảnh vệ đặc biệt này phải được thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt và do chính lực lượng cảnh vệ thực hiện mới bảo đảm an toàn tuyệt đối. Việc thuê lực lượng, phương tiện ở nước ngoài sẽ khó khăn trong việc kiểm soát an ninh, an toàn.

Có ý kiến đề nghị tăng cường ký kết các điều ước quốc tế song phương để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các đối tượng cảnh vệ nêu trên khi đi công tác nước ngoài.