Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ngoài hạ tuổi nhận trợ cấp từ 80 xuống 75, đại diện13 hiệp hội doanh nghiệp còn đề xuất giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người cao tuổi.
Theo báo cáo, hiện tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là 10,5% (gồm bảo hiểm xã hội (BHXH) 8%, bảo hiểm y tế (BHYT) 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, người sử dụng lao động đóng 21,5% (17,5% BHXH, 3% BHYT và 1% bảo hiểm thất nghiệp). Như vậy, tổng tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, tỷ lệ đóng BHXH này là rất cao, gây khó cho nhiều người lao động khiến họ mất cơ hội hưởng lương hưu do không có khả năng đóng BHXH.
Cũng theo 13 Hiệp hội, so với khu vực và thế giới, tỷ lệ đóng BHXH của người sử dụng lao động ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước. Cụ thể, Malaysia đóng 16,5%, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%, Campuchia 6,1%, Thái Lan 5%, Myanma 2%, Bangladesh 0%...., hầu hết các nước này đều đóng BHXH trên nền đóng giống Việt Nam.
Trên cơ sở đó, 13 Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị đưa tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng của năm 2009. Cụ thể, người lao động chỉ nên đóng 5%, người sử dụng lao động đóng 15%, tổng là 20%.
Cũng theo đề xuất, đối với tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp, các hiệp hội cũng cho rằng, hiện quỹ này đã kết dư quá nhiều. Trong khi mục đích của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, khi quỹ đã kết dư quá nhiều thì cần giảm mức đóng để điều chỉnh quỹ về mức cân bằng.
Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ của cả người lao động, và người sử dụng lao động còn 0,5%, đồng thời có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế. Về BHYT, đề xuất giảm mức đóng còn 1% đối với người lao động và còn 2% đối với người sử dụng lao động. Với mức đề xuất giảm như trên, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của người lao đông sẽ là 6,5%; người sử dụng lao động là 17,5%. Như vậy tổng tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động là 24%.
Ngoài ra, 13 hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, đối tượng có số thời gian đóng BHXH thấp hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, mỗi năm không đóng BHXH sẽ bị trừ 2% là không hợp lý. Bởi mức trừ này quá cao so với mức hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu đối với đối tượng có thời gian đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ 75% (cứ mỗi năm đóng BHXH thì chỉ được tính bằng 0,5 tháng của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH).
Và, nếu lao động đủ điều kiện nghỉ hưu sớm (đóng BHXH từ đủ 30 năm) thì mỗi năm nghỉ hưu sớm bị trừ tương ứng 2% là không hợp lý, bởi vì việc trừ này không đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều; Tỷ lệ trừ 2% là quá cao, trong khi chính sách BHXH đang cố gắng khuyến khích, động viên người lao động ở lại với quỹ BHXH. Do đó, cần xem xét lại tỷ lệ trừ 2%, đặc biệt có cơ chế thưởng cho những lao động tham gia BHXH từ đủ 30 năm trở lên.
"Mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ 1 tháng lương hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% tương ứng với 1 năm như Luật BHXH năm 2006 quy định", kiến nghị nêu.
Có thể thấy rõ, để phủ kín BHXH cho người lao động, phủ kín BHYT và trợ cấp cho người cao tuổi là việc khó nhưng đang được Chính phủ thực hiện rất tốt và có lộ trình rõ ràng. Để người cao tuổi không ai bị bỏ lại phía sau, dù hệ thống an sinh xã hội của ta còn yếu, nguồn lực mỏng nhưng quyết tâm chính trị là rất đáng ghi nhận.