Thực tế tại Việt Nam, những người cao tuổi (tính từ tuổi 60-65 tùy ngành nghề và thời điểm nghỉ hưu) đã có thể nhận lương hưu BHXH, hoặc một trong các loại trợ cấp hưu trí xã hội và trợ cấp người có công. Tuy nhiên, những người có khả năng nhận được các khoản lương hưu hay trợ cấp nói trên vẫn còn ít hơn số người cao tuổi không nhận được chế độ nào...

Khi người già không kịp hưởng lương hưu

Phân tích về khoảng trống an sinh xã hội này, mới đây tại diễn đàn Quốc hội khi bàn về vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội) phân tích: Nếu giảm được thời gian đóng BHXH xuống 15 năm sẽ giúp cho nhiều người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già. Tuy nhiên, khi giảm số năm đóng BHXH cũng đồng nghĩa với việc khi bước vào tuổi hưu, lương hưu trí thấp cũng khiến cuộc sống của những người cao tuổi gặp khó khăn.

anh 11.jpg
Theo BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH ở nước ta mới khoảng 17,47 triệu người, chiếm 37,48% lực lượng lao động trong độ tuổi

Nhìn dưới góc độ quản lý vĩ mô, theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm cả nước có hơn 700.000 người rút BHXH một lần và sau đại dịch Covid-19 thì số người rút BHXH năm sau luôn cao hơn năm trước. Tỉ lệ trung bình được báo cáo, cứ hơn một người tham gia BHXH có một người rút 1 lần. Con số này rất đáng báo động trong bối cảnh tỉ lệ già hóa dân số ở Việt Nam đang diễn ra khá nhanh.

Cụ thể, chỉ trong giai đoạn 2016 -2021, cả nước đã có hơn 4 triệu người lao động rút BHXH một lần. Trong đó, có hơn 1,8 triệu là lao động nam, hơn 2,2 triệu là lao động nữ. Số lao động rút BHXH một lần dưới 40 tuổi là 3,8 triệu, chiếm 95%. Đáng chú ý, hơn 99% số người lao động rút BHXH một lần rơi vào trường hợp không tìm được việc làm (trong vòng 12 tháng) kể từ ngày chấm dứt quan hệ lao động. Thực tế này cho thấy, khả năng quay trở lại thị trường lao động của họ là rất khó khăn.

Chính vòng luẩn quẩn này khiến nhiều người lao động chọn giải pháp rút BHXH một lần trong thời gian qua. Việc làm này vô tình tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, đồng thời sẽ tước đoạt đi rất nhiều quyền lợi của người lao động khi họ về già cũng như bước vào tuổi nghỉ hưu mà không có bất cứ khoản thu nhập (không có lương hưu) hay các cơ hội chăm sóc y tế (không có BHYT). Bản thân những người cao tuổi “ba không” (không lương hưu, không BHYT, không có thu nhập) rất dễ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Lương hưu thấp cũng là vấn đề nan giải

Song song với việc giải bài toán hạn chế người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, việc giảm độ tuổi đóng BHXH để người cao tuổi có cơ hội hưởng lương hưu cũng khiến mức lương thụ hưởng của người lao động thấp. 

Có một thực tế là Việt Nam đang chuyển từ giai đoạn dân số vàng sang dân số già, điều này gây sức ép lên việc bảo toàn và phát triển Quỹ BHXH. Trong khi đó, để duy trì quỹ thì việc kéo dài thời gian đóng được coi là giải pháp, tuy nhiên thời gian đóng BHXH quá dài như hiện nay (20 năm), trong khi mức hưởng thấp cũng khiến nhiều người lao động cảm thấy “đuối sức”, thậm chí nhiều người lao động chấp nhận hưu non hoặc cực đoan hơn là rút BHXH một lần. 

Bình luận về vấn đề này, ông Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, căn cứ tuổi thọ thực tế và tình trạng sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam hiện nay, việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này là cần thiết. Bởi việc giảm thời gian đóng sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn (ngoài 40 tuổi mới bắt đầu tham gia), hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH, cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng.

Việc người cao tuổi cảm thấy có cơ hội được hưởng lương hưu cũng sẽ động viên nhiều người tham gia BHXH nhiều hơn và những người có ý định rút bảo hiểm một lần cũng sẽ cân nhắc. Bởi ngoài câu chuyện thụ hưởng lương hưu, các chính sách liên quan tới BHYT khi về già cũng là lí do lôi cuốn nhiều người tham gia BHXH. 

“Tuy nhiên, khi giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm có thể dẫn tới lương hưu thấp, khó đảm bảo mức sống tối thiểu bởi tiền lương hưu căn cứ vào mức đóng BHXH và thời gian đóng (tiền đóng cao, thời gian dài thì lương hưu cao và ngược lại). Đây cũng là bài toán nan giải không chỉ riêng của Việt Nam, nhưng giải pháp điều chỉnh bằng cách nâng mức đóng vào Quỹ hưu trí cũng cần được Chính phủ cân nhắc”, ông Nghĩa hiến kế.

Hồng Liên và nhóm PV, BTV