ĐBSCL gồm 13 tỉnh, là khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP hàng năm. Tuy nhiên, khu vực này chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với các biểu hiện là: những trận lũ lớn, sự xâm nhập mặn và đất bị ô nhiễm. Theo các chuyên gia quốc tế, nếu không có biện pháp thích ứng hiệu quả, trong vòng 80 năm tới, mực nước biển dâng lên có thể khiến 90% diện tích của ĐBSCL bị ngập lụt hàng năm. Từ đó có thể dẫn tới tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng và những thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội. Trong đó, Trà Vinh và Bạc Liêu là 2 tỉnh nằm sát biển sẽ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sớm hơn so với các tỉnh trong nội địa.

{keywords}
Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long” do Quỹ Thích ứng tài trợ.

Tại hội thảo, các diễn giả giới thiệu bộ công cụ lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch hành động ở cấp địa phương. Các diễn giả cũng chia sẻ kết quả nghiên cứu về hiện trạng rủi ro và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; hiện trạng hiện trạng về thể chế, chính sách, chương trình, năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu ở tại 2 tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu. Các đại biểu tham dự cùng trao đổi, thảo luận về lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu và định cư sinh thái vào các kế hoạch theo từng cấp, dựa vào các kịch bản biến đổi khí và nước biển dâng đến năm 2030, thí điểm cho 2 tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu.

{keywords}
Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường khai mạc hội thảo

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiêm  Phó giám đốc dự án cho biết: “Lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vào chính sách, quy hoạch phát triển của địa phương cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Điều này giúp các tỉnh có thể chủ động những kế hoạch và phương án ứng phó hợp lý, giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với biến đối khí hậu”.

TS. Nguyễn Lanh - chuyên gia về biến đổi khí hậu cũng cho biết, bộ công cụ của dự án cung cấp hướng dẫn cụ thể về quy trình, trình tự triển khai việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tương ứng ở các cấp. Ngoài ra, bộ công cụ lồng này có thể được dùng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu, đào tạo về biến đổi khí hậu và lồng ghép biến đổi khí hậu trong các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khác.

ông Jonhyo Nam - đại diện UN-Habitat Vietnam cho biết: “Chúng tôi hướng tới việc lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu ở toàn bộ vùng ĐBSCL, góp phần bảo vệ khu vực trọng yếu này. Để thực hiện mục tiêu này, dự án sẽ coi cộng đồng là trung tâm và tập trung vào nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của cộng đồng để tạo ra một mô hình định cư gắn kết con người và sinh thái, với định hướng nhân rộng ra các tỉnh khác trong vùng ĐBSCL trong thời gian tới”.

Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu, phát triển khu định cư con người và sinh thái gắn kết, bền vững thông qua các can thiệp hạ tầng quy mô nhỏ ở các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long” được thực hiện từ năm 2021 - 2024 tại tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu, nhằm hỗ trợ các tỉnh này nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua: nâng cao năng lực cho các cấp quản lý trong các cơ quan nhà nước; hỗ trợ thiết lập chiến lược khu định cư con người - sinh thái; kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng khung chính sách lồng ghép hành động và chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu vào trong hệ thống quy hoạch địa phương; xây dựng hạ tầng quy mô nhỏ nhằm phòng chống xâm nhập mặn, phòng chống xói mòn bờ biển.

Tố Uyên