Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030.

Góp ý về chương trình, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) nhấn mạnh đọc sách là thói quen rất quan trọng. Đọc sách khác nhiều so với cập nhật thông tin, kiến thức trên không gian mạng, đọc sách giúp thấu hiểu chính mình và cảm thông với người khác.

Đọc lướt tin trên mạng không đầy đủ nội dung, dễ suy nghĩ phiến diện dẫn đến xu hướng muốn đả kích người khác hoặc ủng hộ thái quá. 

202411011047352554_z5988287296387_73f53d828ad58add595d1a434b09f69b.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu nhấn mạnh cần tạo không gian đọc sách ở nhiều nơi, không chỉ thư viện, phố sách, cà phê sách.

Vì vậy, đại biểu đề nghị phát triển không gian đọc ở khu vực công cộng, không gian cung cấp dịch vụ công, cung cấp dịch vụ vận tải hành khách, khu du lịch, vui chơi lưu trú.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng kiến nghị xây dựng bộ nhận diện bản sắc Việt Nam. Việt Nam chưa có bộ nhận diện văn hóa rõ nét như Nhật Bản, Hàn Quốc. Pháp luật cũng chưa quy định cơ quan có thẩm quyền nào được duyệt những bản sắc Việt Nam như quốc phục, quốc hoa.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chuẩn bị thông qua cũng chưa có nội dung giao thẩm quyền cho cơ quan nào. Trước đây Bộ VHTT&DL tổ chức bình chọn quốc phục, quốc hoa nhưng dừng lại giữa chừng vì không có thẩm quyền phê duyệt.

Bộ nhận diện bản sắc Việt Nam còn có quốc phục, quốc hoa, quốc cầm, quốc vũ, quốc võ, quốc tửu, ẩm thực quốc gia. Theo ông Cảnh đây là những yếu tố để tạo nên chuẩn mực cho một quốc yến của Việt Nam tại sự kiện quốc gia, quốc tế lớn.

Ông chia sẻ, thời gian gần đây giới trẻ quan tâm đến áo dài nam và mặc nhiều tại các sự kiện văn hóa, lễ Tết và ngày cưới. Ông cho rằng "đây là thời điểm phù hợp để Bộ khởi động lại việc chọn quốc phục".

Tại phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ 7 (tháng 6), Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ năm 2011, Chính phủ đã giao cho Bộ VHTT&DL xây dựng bộ nhận diện về quốc hoa.

Bộ đề xuất hoa sen là bộ nhận diện về quốc hoa. Tuy nhiên, khi trình thì vướng mắc ở chỗ "ai là người có thẩm quyền công nhận, ai là người ký". Cuối cùng, câu trả lời là không ai có thẩm quyền cả vì không có quy định. Bộ cũng đã cho nhận diện lễ phục, quốc phục là bộ áo quần có tính chất đặc trưng. Việc này đã nghiên cứu nhưng sau đó phải dừng lại.

100% học sinh, sinh viên tiếp cận nghệ thuật, di sản văn hóa

Một trong những mục tiêu của chương trình là đến năm 2030 là 100% học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ "có nhất thiết hay không", bởi học sinh phải biết di sản văn hóa, nghệ thuật là một vấn đề khó khăn, đưa vào chương trình giáo dục phổ thông chính khóa hay ngoại khóa.

Đặc biệt với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và nông thôn, ông Hòa cho rằng nếu đặt mục tiêu chung như vậy sẽ không hiệu quả.

202411011059405445_z5988326973682_7ce675252aded43bcdc7f487e3e0bebd.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quốc hội

Giải trình sau đó, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là nội dung do Bộ GD&ĐT đề xuất với mong muốn phát triển con người toàn diện. Giáo dục về nghệ thuật, di sản văn hóa đã có trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, ông nhìn nhận thực tế một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện còn khó khăn.

Tại nhiều địa phương các em có thể học sáo, khèn, các điệu múa của dân tộc, nhạc cụ dân tộc... Môn giáo dục địa phương gồm nhiều nội dung về lịch sử địa phương, di tích lịch sử, văn hóa, đây cũng là môn bắt buộc. 

202411011130268956_z5988430141083_95c3e5b9189fae896946c888e506038d.jpg
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết dự kiến sẽ điều chỉnh "phấn đấu đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa".