Thứ nhất, cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Kinh nghiệm các nước đã và đang thực hiện kinh tế tuần hoàn đều có luật và quy định pháp lý rõ ràng. Việt Nam cần có lộ trình và tiến tới xây dựng luật cho phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ hai, cần triển khai nghiên cứu sâu rộng về phát triển kinh tế tuần hoàn từ cách tiếp cận chung toàn cầu, nguyên tắc xác lập theo ngành, lĩnh vực, triển khai mô hình, tiêu chí của mô hình kinh tế tuần hoàn, từ đó lựa chọn vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam và phổ biến rộng rãi đến doanh nghiệp, người dân, các nhà quản lý để có sự nhìn nhận đúng.

{keywords}
Phong trào “Đi chợ không dùng túi nilon” phổ biến ở nhiều nơi. 

Thứ ba, phát triển kinh tế tuần hoàn cần phải dựa trên các ngành, lĩnh vực và địa phương đã và đang triển khai các mô hình kinh tế gần với cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn, từ đó bổ sung hoàn thiện và có sự lựa chọn phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực từ thí điểm đến triển khai nhân rộng.

Thứ tư, tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, người dân, nhất là khu vực tư nhân đầu tư, thực hiện phát triển các lĩnh vực thuộc kinh tế tuần hoàn, xác lập rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, nhất là các quốc gia đã và đang thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn, từ đó chuyển giao và áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do vậy cần có cơ chế, chính sách cho phát triển công nghệ sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải, chất thải phải trở thành nguồn tài nguyên trong nền kinh tế xét cả khía cạnh sản xuất và tiêu dùng.

Thứ sáu, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần có lộ trình và ưu tiên trong phát triển dựa trên nhu cầu thị trường và đòi hỏi của xã hội. Đối với Việt Nam, ưu tiên trước hết là chất thải nhựa và túi ni-lon phải thực hiện và đưa vào kế hoạch 5 năm tới để giải quyết triệt để, giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường dựa trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ bảy, vấn đề cần phải giải quyết ngay đối với Việt Nam là phân loại rác tại nguồn và rác sau khi phân loại phải được thu gom, làm sạch, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế. Phân loại rác tại nguồn phải trở thành yêu cầu bắt buộc, tiêu chí đánh giá văn hóa đối với người dân.

Tóm lại, để phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần phải hiểu rõ bản chất và luận cứ được cách thức phát triển này. Để phát triển kinh tế tuần hoàn cần tổng kết, đánh giá những mô hình phát triển đã có đối với các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, từ đó nhận dạng những cách thức phát triển gần với tiếp cận kinh tế tuần hoàn làm cơ sở để phát triển theo những tiêu chí của kinh tế tuần hoàn. Cần nhận thức được những cơ hội để tận dụng các cơ hội này, mặt khác cũng phải thấy được những thách thức đối với phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ gặp phải để có biện pháp khắc phục.

Hằng Nga