Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây tạm gọi là Luật BHYT sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Y tế đề xuất mở rộng độ tuổi được hưởng quyền lợi BHYT trong điều trị tật về mắt (lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt) đối với người dưới 18 tuổi.

Theo quy định hiện hành, Quỹ BHYT chỉ thanh toán chi phí này với trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, theo đánh giá, điều này chưa phù hợp về chuyên môn.

Lý do là tuổi được chỉ định kỹ thuật này thường trên 6-18 tuổi mới bảo đảm hiệu quả. Vì thế, từ khi ban hành Luật BHYT (hiệu lực từ năm 2009) đến nay, hầu như không có trẻ em được hưởng quy định này.  

Có 4 loại tật khúc xạ của mắt thường gặp, gồm: Cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị.

Một nghiên cứu tại Việt Nam năm 2020 cho thấy, mỗi năm Quỹ BHYT cần chi trả 652,6 tỷ đồng cho điều trị tật khúc xạ (bao gồm cận thị); 11,1 tỷ đồng cho điều trị lác; 3 tỷ đồng cho điều trị sụp mí cho trẻ em dưới 16 tuổi.

Nếu mở rộng quyền lợi cho người dưới 18 tuổi, mỗi năm ước tính BHYT cần chi trả 734,2 tỷ đồng cho điều trị tật khúc xạ; 12,5 tỷ đồng cho điều trị lác; 3,4 tỷ đồng cho điều trị sụp mí.

Theo tính toán của Bộ Y tế, việc BHYT chi trả cho điều trị tật khúc xạ (bao gồm cận thị) sẽ giúp người bệnh giảm chi phí đáng kể. Cụ thể:

Bệnh/Cơ sở y tế Tuyến trung ương Tuyến tỉnh Tuyến huyện
Tật khúc xạ (bao gồm cận thị) 303.000 285.000 167.900
Lác  4.213.000 3.544.300
Sụp mi 4.267.000 3.581.100 149.500

Đơn vị: đồng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 154 triệu người trên toàn thế giới bị tật khúc xạ nhưng chưa được điều trị, trong đó có hơn 13 triệu là trẻ em. Châu Á là nơi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ học đường cao nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ cận thị cao và gia tăng nhanh chóng, nhất là khu vực đô thị, số học sinh bị cận thị chiếm 40%. Số liệu thống kê năm 2022 cho thấy khoảng 5 triệu trẻ em Việt Nam mắc phải các tật khúc xạ ở mắt. Trẻ từ 6-15 tuổi là nhóm mắc phải cận thị phổ biến nhất.

Đề xuất tăng tỷ lệ thanh toán BHYT với một số cơ sở y tế

Trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Dự Luật BHYT sửa đổi (lần 2), Bộ Y tế cũng đề xuất tăng tỷ lệ thanh toán BHYT đối với trung tâm y tế huyện không có giường bệnh nội trú; phòng khám đa khoa; phòng khám đa khoa khu vực có giường bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ khám chữa bệnh ngoại trú tương đương tuyến huyện (được xếp vào cấp ban đầu theo Luật Khám bệnh chữa bệnh sửa đổi).

Cụ thể, quy định hiện hành chỉ áp dụng thông tuyến toàn quốc cho bệnh viện huyện mà chưa áp dụng đối với các cơ sở nêu trên. Vì thế, khi bệnh nhân tự đi khám chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký ban đầu (tạm hiểu là trái tuyến) đối với các cơ sở nêu trên sẽ không được BHYT chi trả trong trường hợp ở ngoại tỉnh. 

Theo đề xuất của Bộ Y tế, người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nội tỉnh và ngoại tỉnh đều được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh ngoại trú. Bộ Y tế nhận định điều này góp phần giảm bớt gánh nặng của ngân sách Nhà nước để đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động chống quá tải của các cơ sở khám chữa bệnh và giải quyết các hậu quả của việc giảm tỷ lệ khám, chữa bệnh BHYT ở y tế cơ sở.

w the bhyt pham hai 282.jpg
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 93 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ là 93,35%. Ảnh: Phạm Hải

Thêm đối tượng được đề xuất nâng mức hưởng BHYT lên 100%

Trong Dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần 2 này, Bộ Y tế đề xuất tách đối tượng sỹ quan công an nhân dân đang hưởng lương hưu trong nhóm đối tượng hưu trí (tại điểm a khoản 2 Điều 12) thành nhóm riêng để điều chỉnh mức hưởng đồng bộ với mức của cựu chiến binh.

Điều này có nghĩa là nhóm đối tượng sỹ quan công an nhân dân đang hưởng lương hưu sẽ được tăng mức hưởng BHYT từ 95% lên 100%.

Theo Bộ Y tế, mỗi năm, mỗi cán bộ hưu trí là sỹ quan công an nhân dân không cần đóng thêm 5% chi phí đồng chi trả, tức là được Quỹ BHYT chi trả tăng thêm 238.000 đồng/người; tương ứng với tổng số 75.000 cựu sỹ quan sẽ được quỹ chi trả tăng lên là 17,8 tỷ đồng.

Chưa mở rộng trường hợp được hưởng BHYT với khám sức khỏe định kỳ, hỗ trợ sinh sản

Hiện một số dịch vụ thuộc phạm vi khám chữa bệnh nhưng chưa được quy định trong phạm vi hưởng BHYT như quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản...  

Trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách Luật BHYT sửa đổi, cơ quan soạn thảo kiến nghị một số dịch vụ như hỗ trợ sinh sản, khám sức khỏe định kỳ, đa dạng hóa cơ sở cung ứng dịch vụ BHYT như nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm chưa thuộc nhóm được BHYT chi trả. Lý do được đưa ra là để đảm bảo tính khả thi vì cần thêm thông tin, dữ liệu đánh giá tác động và truyền thông, cung cấp thông tin.

Việt Nam hiện có hơn 93 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ là 93,35%. Mục tiêu đặt ra vào năm 2030 là nâng tỷ lệ này lên trên 95%. Luật BHYT sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (dự kiến vào tháng 10/2024) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.