Tại dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam cho nhà ở riêng lẻ - yêu cầu chung để thiết kế do Viện Kiến trúc Quốc gia biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, đã có đề xuất liên quan đến mở lối ra khẩn cấp cho nhà sử dụng cửa cuốn ở tầng 1.

Theo đó, tại mục 7 của dự thảo về yêu cầu an toàn cháy của loại hình nhà ở riêng lẻ nêu rõ,  yêu cầu an toàn cháy áp dụng cho nhà ở riêng lẻ có chiều cao phòng cháy chữa cháy nhỏ hơn 25m đồng thời có không quá 1 tầng hầm.

387542087 1049020782922018 1909256392706664891 n.jpg
Nhà ở riêng lẻ hiện chưa có tiêu chuẩn riêng, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

Cũng tại mục này, khuyến khích sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy để hoàn thiện, trang trí tường và trần (bao gồm cả tấm trần treo, nếu có), vật liệu ốp lát, vật liệu phủ sàn trên đường thoát nạn. Ưu tiên sử dụng các loại vật liệu không cháy hoặc khó cháy và hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy hoặc sinh khói, sinh độc lớn như mút, xốp, nhựa tổng hợp, cao su... cho đường thoát nạn, lối thoát nạn, các lối thoát khẩn cấp hoặc khu vực lánh nạn tạm thời.

Liên quan đến an toàn thoát nạn, dự thảo yêu cầu đường thoát nạn không lắp đặt các vật dụng, thiết bị nhô ra khỏi mặt tường có độ cao dưới 2m; gương soi; các ống dẫn khí cháy và ống dẫn các chất lỏng cháy được. Đồng thời, đường thoát nạn phải được chiếu sáng tự nhiên hoặc nhân tạo, ưu tiên sử dụng các giải pháp chiếu sáng tự nhiên cho đường thoát nạn, thang thoát nạn qua các ô cửa theo các tầng hoặc lấy sáng từ trên mái.

Dự thảo tiêu chuẩn quy định về chiều rộng thông thủy của lối ra thoát nạn không nhỏ hơn 0,8m;  chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 1,9m. Cửa đi trên lối ra thoát nạn tại tầng một/trệt sử dụng cửa bản lề. Trường hợp lắp đặt cửa cuốn, cửa trượt thì phải sử dụng loại cửa có cơ cấu tự thu, mở nhanh, có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng.
Đáng chú ý, trong trường hợp sử dụng các cửa cuốn hoặc cửa xếp trên các lối ra duy nhất của nhà ở tầng một/trệt thì cần có thêm các lối ra khẩn cấp cho phép thoát người nếu cửa trên lối ra duy nhất không mở được khi có cháy.

Tại dự thảo Tiêu chuẩn cũng quy định rõ về lối ra khẩn cấp gồm: Lối ra ban công hoặc lôgia có chiều rộng thông thủy không nhỏ hơn 0,6m; lối lên sân thượng hoặc mái dẫn đến khu vực lánh nạn tạm thời; lối ra trực tiếp qua các ô cửa sổ mà mép dưới cửa sổ đó ở độ cao không lớn hơn 7,0m so với mặt đất. Chiều rộng thông thủy của cửa trên lối ra khẩn cấp không nhỏ hơn 0,75m, chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 1,5m; trường hợp sử dụng cửa nắp trên sàn ban công hoặc lôgia, kích thước tối thiểu 0,6m x 0,8m, có thể thông xuống ban công hoặc lôgia tầng dưới.

Dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng cho nhà ở riêng lẻ cũng yêu cầu, tại các lối ra khẩn cấp cần trang bị các thiết bị hỗ trợ thoát nạn khẩn cấp như thang kim loại, thang dây hoặc dây thoát hiểm hạ chậm...
Cần sớm ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam cho nhà ở riêng lẻ

Theo các chuyên gia PCCC&CNCH, nhà ở hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh tại nhiều khu đô thị lớn ở nước ta được xây dựng dạng nhà ống. Các nhà ống này có 1 lối thoát nạn qua cầu thang bộ thông giữa các tầng và thoát ra ngoài qua cửa chính tại tầng 1. Bên cạnh đó, trong các nhà dạng ống có thể sử dụng lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (thường gọi là lối thoát nạn khẩn cấp) để thoát sang nhà hoặc công trình liền kề. 

Tuy nhiên, vì lý do an ninh nên các hộ gia đình thường trang bị nhiều lớp tại cửa chính ở tầng 1, thông thường là 2 lớp (như cửa gỗ - cửa xếp, cửa kính - cửa cuốn). Những lối thoát nạn khẩn cấp cũng được trang bị các khung sắt kiên cố tạo thành lồng sắt bảo vệ (còn được gọi là chuồng cọp). 

Trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ, chính những lớp cửa và lồng sắt này sẽ khiến cho người dân sống trong các ngôi nhà đang hỏa hoạn khó khăn trong việc thoát nạn hoặc không thể thoát ra ngoài (trường hợp thoát qua các lối thoát nạn khẩn cấp nhưng đã lắp lồng sắt bảo vệ và không có ô cửa thoát nạn trên lồng sắt). Các lớp cửa và lồng sắt này cũng đồng thời gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng PCCC&CNCH khi tiếp cận ngôi nhà để cứu người và dập tắt đám cháy.

Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ nhưng trong Luật PCCC và các văn bản liên quan đều không yêu cầu cụ thể về phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng (trừ nhà kết hợp kinh doanh). 

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, chuyên gia về PCCC&CNCH cho rằng, cơ quan chức năng cần có các quy định phòng cháy đối với nhà ở từ tầng 6 trở xuống, các nhà có mặt sàn lớn và nhà ở kết hợp kinh doanh. Từ việc có quy định cụ thể về PCCC để có điều kiện trong việc thiết kế, lắp đặt thiết bị PCCC…  Qua đó sẽ giảm thiểu được nguy cơ phát sinh cháy và có thể phát hiện ra sớm các vụ cháy, để xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu.