Đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để nhận lương hưu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nhận nhiều ý kiến khác nhau từ các chuyên gia mảng lao động – an sinh xã hội.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: "Trong thời gian tôi còn đương nhiệm đã 2 lần chắp bút viết dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2006 và 2014. Đề xuất sửa đổi Luật BHXH lần này của Bộ LĐTBXH cũng nằm trong xu hướng chung phù hợp với thị trường lao động, đồng thời khắc phục những vấn đề mà chính sách BHXH hiện hành chưa giải quyết được. Một trong những chính sách lớn đó là giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu".

Ông Phạm Minh Huân cho rằng, đề xuất trên thực chất là để xử lý tình huống đối với những người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH, còn mục tiêu chính của chính sách BHXH vẫn là phải khuyến khích người lao động đóng tích lũy nhiều năm để sau này có thể hưởng lương hưu với mức cao hơn.

{keywords}
Một số lĩnh vực, người lao động mong muốn được nghỉ hưu sớm do yếu tố sức khỏe. Ảnh: TTXVN

Trước năm 2014 với thời gian đóng BHXH đủ 15 năm thì được hưởng mức lương hưu tối thiểu là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, sau đó tăng lên mỗi năm 2% với nam và 3% với nữ.

Tuy nhiên, với công thức tính lương hưu như vậy, rõ ràng mức hưởng vẫn cao hơn so với mức đóng, do đó để cân bằng lại luật đã được sửa đổi tăng dần lên 20 năm mới được hưởng 45%. Vì lẽ đó, nếu bây giờ lại điều chỉnh giảm số năm đóng xuống 10 - 15 năm thì chắc chắn mức hưởng cũng sẽ phải giảm.

Mặc dù vậy, ông Huân cũng thừa nhận trong thực tế không ít trường hợp người lao động có thời gian đóng chỉ 10 năm nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu, vì vậy vấn đề giảm số năm đóng cần cân nhắc. Nhưng nếu chi trả BHXH một lần thì không đúng mục tiêu của lương hưu là bảo đảm cho người nghỉ hưu hằng tháng có một khoản để chi trả cuộc sống.

"Khi rút ngắn thời gian đóng còn 15 năm hay 10 năm thì mức hưởng sẽ giảm đi, lương hưu vì vậy rất thấp. Nhưng dù sao để hưởng mức thấp còn hơn để người lao động rút BHXH một lần nhiều như hiện nay. Nếu rút ngắn còn 10-15 năm, mức hưởng có thể chỉ còn trong khoảng 20%-25%, dẫn đến lương hưu chỉ khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên lương thấp còn hơn không có, nhất là với người già. Bởi quan trọng hơn đằng sau đó là được cấp BHYT miễn phí", ông Huân phân tích.

Về cơ bản, ông Huân cho rằng nên khuyến khích người lao động đóng từ 20 - 35 năm để có thể hưởng lương hưu ở mức tối đa bởi nguyên tắc đóng BHXH hưởng lương hưu là nguyên tắc đóng - hưởng.

Còn theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội cho rằng, giảm thời gian đóng BHXH không phải mới được đề xuất lần đầu.

Điều này cũng phản ánh thực tế một phần của thị trường lao động Việt Nam luôn có sự biến động, trong khi ý thức tham gia BHXH của người lao động cũng chưa tốt. Tình trạng công nhân đóng rồi lại rút BHXH một lần do nhận thấy thời gian tham gia quá lâu và chính sách bảo toàn quỹ chưa thực sự hấp dẫn nên không mặn mà đã từng xảy ra.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, giảm số năm đóng có những tác dụng tốt song cũng nên cân nhắc thận trọng, vì hiện nay tuổi thọ của Việt Nam đang dần cao lên, tuổi nghỉ hưu tăng và thời gian làm việc kéo dài hơn.

"Tôi nghĩ rằng, một trong những điều trọng nhất của chính sách hưu trí là bảo đảm được mức sống tương đối cho người già khi về hưu, không còn khả năng lao động. Nếu thời gian đóng thấp quá kéo theo mức hưởng thấp thì thực tế mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội của người về hưu sẽ khó đạt được" bà Nguyễn Thị Lan Hương nêu quan điểm.

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tính đến cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam) nhưng chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng (chiếm 22,1%) tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (1,8 triệu người) thì tổng cộng có khoảng gần 5 triệu người (chiếm 35%) được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng.

Như vậy, cho đến nay vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết số 28 đặt ra là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu sẽ là một thách thức rất lớn.

Do đó, Bộ LĐTBXH cho rằng, chính sách BHXH hiện hành khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác. Đề xuất rút ngắn thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu là một giải pháp khắc phục rút BHXH một lần đang gia tăng và mở rộng diện hưởng lương hưu, qua đó mở rộng lưới an sinh xã hội.

(Theo Báo Tin Tức)