Theo dữ liệu của CoinDesk, thị trường tiền mã hóa trải qua đợt lao dốc mạnh vào tối ngày 7/9. Sau khi tiệm cận mốc 53.000 USD/đồng sáng cùng ngày, Bitcoin - đồng tiền mã hóa giá trị nhất thế giới - giảm đột ngột xuống dưới ngưỡng 43.000 USD/đồng chỉ trong vòng 12 tiếng.
Bắt theo xu hướng của Bitcoin, giá nhiều đồng tiền mã hóa khác như Ethereum, Cardano, Binance… cũng lao dốc từ 15-28% giá trị. Vốn hóa của cả thị trường đã bị thổi bay khoảng 417 tỷ USD.
Rạng sáng ngày 8/9, thị trường bắt đầu có tín hiệu hồi phục. Giá Bitcoin vươn lên và hiện giao dịch quanh mốc 47.200 USD/đồng (giảm 11,3% so với ngày 7/9), giá Ethereum cũng quay về mốc 3.500 USD/đồng (giảm 10,3% so với ngày 7/9).
Điểm sáng hiếm hoi của thị trường chính là đồng NEAR. Bất chấp việc giảm giá mạnh theo xu hướng chung, giá NEAR không những hồi phục dần mà còn lập đỉnh mới, vượt mốc 9 USD/đồng theo dữ liệu của Coinmarketcap.
“Thị trường tiền mã hóa điều chỉnh giá đúng thời điểm các nhà đầu tư nâng cao kỳ vọng. Việc thanh lý ồ ạt lệnh giao dịch có đòn bẩy đã tạo ra áp lực bán tháo”, Đăng Hải - nhà đầu tư tiền mã hóa có 2 năm kinh nghiệm ở Đà Nẵng - nhận định.
Số lệnh vị thế mua bị thanh lý chiếm 91,98%. Ảnh: BYBT. |
Theo dữ liệu của nền tảng theo dõi tiền mã hóa Bybt, trong 24 giờ qua, 8 sàn giao dịch lớn nhất thế giới là Bybit, Huobi, Binance, Okex, FTX, Bitmex, Bitfinex, Deribit đã thanh lý tổng cộng 3,35 tỷ USD lệnh vị thế mua. Trái lại, con số này đối với lệnh vị thế bán chỉ khoảng 309,11 triệu USD.
Vị thế mua (Long Position) là lệnh sử dụng USD có sẵn hoặc vay sàn (Bianace, Bitmex...) thêm tiền để mua Bitcoin và chờ Bitcoin lên giá để bán lấy lời. Vị thế bán là ngược lại, sử dụng USD có sẵn hoặc vay sàn tiền mua Bitcoin và chờ Bitcoin hạ giá để bán lấy lời. Nhà đầu tư có thể sử dụng thêm đòn bẩy để tăng lợi nhuận khi đặt lệnh vị thế.
Trong 24 giờ qua, Bybt cho biết đã có hơn 350.000 người dùng bị thanh lý tài khoản.
Đáng chú ý, khối lượng giao dịch tăng đột biến khiến một số sàn như Binance gặp trục trặc kĩ thuật. Chia sẻ với Zing, nhiều nhà đầu tư phản ánh tình trạng lag giật, không thể điều chỉnh lệnh khi truy cập sàn vào đêm qua.
Lý giải vấn đề trên, anh Hải cho biết thị trường tiền mã hóa thời gian qua đón nhận nhiều tin tức tích cực, tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư, gần nhất là việc EL Salvador hợp pháp hóa Bitcoin. Do đó, không khó hiểu khi nhiều người dùng tăng số lượng giao dịch sử dụng đòn bẩy với hy vọng thắng lớn.
Đối với giới holder trung thành với lệnh giao ngay, việc thị trường giảm đột ngột đồng nghĩa với tình trạng chôn vốn, ảnh hưởng mạnh đến những nhà đầu tư mua vào khối lượng lớn trước đó.
“Hôm qua là một đêm không ngủ đối với cộng đồng nhà đầu tư. Nhiều người do không thể truy cập vào sàn đã bị cháy tài khoản. Việc sử dụng giao dịch đòn bẩy cao luôn đi kèm với rủi ro. Đây là hình thức đặt lệnh thiên về người chơi có khả năng nắm bắt tin tức và phân tích kỹ thuật”, anh Hải cho biết.
Trao đổi với Zing, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda cho rằng giá Bitcoin lao dốc vì hiện tượng "mua tin đồn, bán sự thật". Hiện tượng này xảy ra khi các nhà đầu tư ồ ạt mua vào dựa trên những thông tin tích cực chưa diễn ra. Nhưng nếu sự thật không như kỳ vọng, nhiều nhà đầu tư có thể ồ ạt bán tháo, khiến giá tài sản sụt giảm mạnh.
(Theo Zing)
Trong đêm bitcoin mất 10.000 USD, cú sụt gây choáng váng
Sau khi chạm ngưỡng 53.000 USD, giá Bitcoin lại lao dốc, có thời điểm về mốc 42.000 USD. Vào sáng nay (8/9), giá Bitcoin ở mốc 46.000 USD. Nhiều đồng tiền mã hóa khác cũng lao đầu giảm giá. Thị trường tiền điện tử rực sắc đỏ.