Đó cũng sẽ là ngày những đô thị khoác lên mình chiếc áo diêm dúa, che đi hai thế giới khác biệt: thế giới của những người thu nhập cao, được quyền tận hưởng từng làn không khí trong lành, từng khung cảnh thiên đường; còn thế giới kia, đông đảo hơn, những người thu nhập thấp, chỉ được sinh sống trong môi trường và không gian thứ cấp, như là một công dân hạng hai trên chính phần đất và trời mà tổ tiên để lại. Cho dù, họ đã xây đắp nó bằng mồ hôi và cả máu!
Viêm phổi vì “virus LIN”
Những “lá phổi” hiếm hoi của các đô thị Việt Nam đều đang trong nguy cơ bị viêm nhiễm bởi một loại virus có tên LIN (lợi ích nhóm). Từ hơn 20 năm trước, hồ Bảy mẫu và công viên Thống Nhất với hơn 40ha - nơi được nhiều thế hệ Hà Nội sau 1954 xây dựng, đã rơi vào tầm ngắm kinh doanh của các “soái hạm”. Năm 1991, một nhóm “soái hạm” lấy được giấy phép xây một khách sạn 5 sao mang tên SAS Royal ngay trong công viên. Người dân và các nhà khoa học đã phản ứng mạnh, không muốn công viên Thống Nhất bị biến thành công viên - khách sạn. Đến tháng 4.2009, Thủ tướng Chính phủ cho dừng việc xây dựng khách sạn tại công viên này. Tuy nhiên, “virus LIN” vẫn quanh quất công viên Thống Nhất qua nhiều ý tưởng mang danh thương mại, đồng thời lại xâm nhập sang những hồ và công viên khác của Hà Nội như hồ Nhân Chính, các công viên Thành Công (Indira Gandhi), Cầu Giấy, Thủ Lệ và Tuổi Trẻ. Những năm gần đây, dư luận và báo chí đã nhiều lần rung chuông báo động việc xây dựng lấn chiếm, xà xẻo đất công cộng để làm quán ăn, nhà hàng, thậm chí siêu thị và nhiều dịch vụ khác tại nhiều hồ và công viên ở thủ đô. Ngay Hồ Gươm - địa danh tiêu biểu của Hà Nội cũng đang trong tình trạng nơm nớp lo lắng trước viễn cảnh nhiều tòa nhà cao tầng chót vót “phục kích” từ đâu đó, sẽ trồi lên chung quanh hồ. Nếu không cảnh báo liên tục, Hồ Gươm sẽ mau chóng trở thành chiếc ao làng nhỏ nhoi, một hòn non bộ làm kiểng cho những tòa nhà chọc trời bao bọc xung quanh.
Công viên Bách Thảo Hà Nội - một trong những mảng xanh quý giá cần gìn giữ của thủ đô. Ảnh TL/ Người đô thị |
Tại TP.HCM, công viên 23.9 với hơn 17ha ngay tại quận Một, nguyên là khu vực nhà ga xe lửa đã được di dời, từng là nạn nhân của một dự án mỹ miều. Vào năm 1995, một tập đoàn Đài Loan và ba công ty quốc doanh lấy được giấy phép xây dựng tại đây một trung tâm thương mại đồ sộ với tổng vốn đầu tư rất ấn tượng vào thời điểm đó - hơn nửa tỷ USD! Song đến năm 2001, tập đoàn này chính thức xin bỏ cuộc sau khi bỏ lại một vài công trình xây dựng dở dang, giá trị thấp. Chính quyền thành phố đã đầu tư và tu bổ khá nhiều để công viên 23.9 đích thực là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt văn nghệ, triển lãm, chợ hoa Tết... Mặc dầu vậy, nhiều dự án mỹ miều không kém, đề nghị xây dựng tại đây những trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng hoành tráng, đã và đang tiếp tục “đổ bộ” vào công viên này. Trong khi đó, các công viên Gia Định, Phú Lâm, Bình Phú... vẫn phải đối chọi hàng ngày với nạn buôn bán xô bồ, lấn chiếm không gian và cây xanh.
Không chỉ công viên và hồ, các bờ sông và bãi biển cũng bị “virus LIN” xâm nhập mạnh mẽ. Bên bờ sông Sài Gòn, ngay khu trung tâm thành phố, gần đây khi các cơ sở kinh tế có lịch sử hình thành lâu đời được dời đi, đã mọc lên những dự án công trình cao tầng dày đặc được chào bán, thay vì công viên, bảo tàng như mong đợi. Năm 2015, công luận cũng đã phát hiện được một dự án có tên gọi là “cải tạo cảnh quan” nhưng thực chất là lấp sông Đồng Nai lấy đất làm khu nhà ở cao cấp. Dự án này nếu không bị ngăn chận thì không những để lại một tiền lệ rất xấu về quy hoạch mà còn ảnh hưởng tai hại đến thủy văn và môi trường của các tỉnh thành hạ lưu sông Đồng Nai. Với các tỉnh có bờ biển đẹp thì “virus LIN” đã tung hoành từ lâu. Báo chí nhiều năm nay đã tường thuật và cảnh báo nhiều bờ biển ở Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu, Sầm Sơn bị chia cắt làm khu vực riêng cho khu nghỉ dưỡng, khách sạn, sân gôn. Người dân sở tại vì các dự án đó mà mất quyền tự do sử dụng những bãi tắm đẹp.
“Virus LIN” còn lên non, sẵn sàng chiếm lĩnh những thắng cảnh cho riêng mình. Câu chuyện toàn bộ Đồi Cù Đà Lạt - 62ha bị rào kín để thuộc quyền điều hành của một liên doanh sân gôn và khách sạn, từ năm 1992 đến nay, là một vết thương lòng nhức nhối không chỉ cho người Đà Lạt. Tại Huế, đồi Vọng Cảnh, có đến hơn 200ha, một khu vực sông núi nên thơ, nhiều lần suýt trở thành khu vực độc quyền cho khu nghỉ dưỡng và khách sạn. May mắn, sau nhiều tranh luận, từ tháng 10.2015, chính quyền địa phương quyết định dứt khoát chuyển đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận trở thành công viên.
Lợi ích nào cần ưu tiên?
Trong lúc người dân Việt Nam đang chứng kiến nhiều không gian công cộng đã hoặc sắp “lên trời” thì trong 5 năm trở lại đây, người dân Singapore lại được thêm một không gian công cộng mới: Gardens by the Bay - những vườn cây nhân tạo trên vùng vịnh nhân tạo. Hơn 100ha khu vực lấn biển ở vịnh Marina đối diện khu phố tài chính truyền thống của Singapore được cải biến thành không gian cây xanh và vườn hoa trong và bên ngoài nhà kính. Cả một không gian xanh kỳ thú được dùng làm nơi thưởng ngoạn chung cho người dân và thu hút du khách. Mọi người đến đây tha hồ đi dạo, tập thể dục miễn phí, nghỉ ngơi trong môi trường hết sức tinh khiết và xinh tươi. Hỏi ra mới biết chính phủ Singapore suốt mấy nhiệm kỳ đã “nói không” với các đề xuất đặt xưởng đóng tàu hay xây các khu cư xá cao cấp, nghỉ dưỡng tại đây.
Ở Singapore, có khá nhiều thí dụ cho việc giữ gìn và mở rộng không gian công cộng cho cư dân thụ hưởng: Botanic Garden, Sentosa, Vivo City, Pasir Riz... Chính phủ Singapore còn làm một chuyện “ngược đời”: từ năm 2011 đem một sân gôn 19ha hết hạn hợp đồng, chuyển sang xây dựng thành học xá mới cho Đại học quốc gia NUS! Mới đây, từ tháng 12.2015 đến tháng 3.2016, chính phủ Singapore đã tổ chức triển lãm Future of us (Tương lai của chúng ta), tại khu vực Gardens by the Bay. Tại triển lãm, người dân được thấy và tham gia ý kiến về những hình ảnh và ý tưởng dự phóng của Singapore từ nay đến 2020 và 2030. Qua đó, ta có thể thấy ngoài nhà ở, trường học và cơ sở y tế, các không gian, tiện nghi công cộng như trường học, công viên, bảo tàng, khu giải trí và nghỉ dưỡng lại là những công trình chính yếu của Singapore sắp đến chứ không phải các khu thương mại, tài chính hay căn hộ cao cấp.
Những công trình chính yếu của Singapore không phải là các khu thương mại, tài chính hay căn hộ cao cấp mà là bảo tàng, khu triển lãm. Ảnh: PT/ Người đô thị |
Khi đặt câu hỏi “Lợi ích nào cần được ưu tiên trong phát triển đô thị?”, câu trả lời dĩ nhiên phải là lợi ích của số đông người dân. Hơn thế nữa, trong một xã hội mà khoảng cách giàu nghèo vẫn còn rất chênh lệch thì việc tạo ra ngày càng nhiều phương tiện an sinh và không gian công cộng, thay vì làm chúng hao hụt đi, càng có ý nghĩa đặc biệt! Nói vậy không có nghĩa chúng ta xem nhẹ cơ hội kinh doanh của các nhà đầu tư. Nói vậy chỉ là để nhắc tất cả những ai có trách nhiệm với đất nước - từ chính quyền trung ương đến địa phương, từ nhà đầu tư đến các tổ chức dân sự, từ hệ thống báo chí theo luật hiện hành đến cộng đồng mạng xã hội - cần đồng thuận và làm hết sức để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi nhuận doanh nghiệp và lợi ích cộng đồng. Không có gì sai khi đòi hỏi phát triển kinh tế song hành với sự nhân văn và thân thiện với thiên nhiên. Chính các quốc gia phát triển khi làm quy hoạch đều rất quan tâm đến yếu tố nhân văn bên cạnh hiệu quả kinh tế. Điều đó không chỉ thể hiện công bằng xã hội và bình đẳng giữa các công dân, mà còn thể hiện sự văn minh của một xã hội tiến bộ - nơi mà loại “virus LIN” không thể hoành hành mọi nơi, mọi chỗ.
Quả thật, xã hội cần vinh danh đúng mức các doanh nghiệp và các nhà quản lý, các doanh nhân đã và đang đóng góp phát triển đất nước bền vững. Song chúng ta cũng cần vạch trần và ngăn chặn những ai dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt ngày càng nhiều những không gian công cộng quý giá khiến nông thôn và đô thị mất cơ hội phát triển bền vững, xã hội mất cân bằng, đất nước tăng xung đột giàu-nghèo. Người dân không chỉ xót xa mà còn bức xúc, mong muốn các thiết chế xã hội sớm thực hiện và thực hiện kiên trì điều đó.
Theo Phúc Tiến/ Người Đô thị
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt