Với đề xuất loại bỏ tới 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy các rào cản trong sản xuất kinh doanh của DN đang được nỗ lực dỡ bỏ.

Việc cắt bỏ các 'giấy phép con' này khiến lợi ích của nhiều bộ ngành bị ảnh hưởng. Con số đó thậm chí còn được lượng hóa bằng hàng chục tỷ mỗi tháng tính trên số phí công khai mà DN phải tốn kém cho các thủ tục. Tuy nhiên, đây là điều kiện cần thiết để hiện thực hóa chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là kiên quyết loại bỏ các rào cản trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nên cần thực hiện một cách mạnh mẽ, kiên quyết.

Bãi bỏ “giấy phép con” vô lý

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo này là Bộ KH-ĐT đề xuất loại tới 67 ngành nghề ra khỏi danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong đó, một số ngành được “xóa” khỏi danh mục là kinh doanh than, dịch vụ mua bán nợ, đại lý bảo hiểm, bảo hành bảo dưỡng xe ô tô, sát hạch lái xe, truyền hình theo yêu cầu, dịch vụ thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, sản xuất vàng miếng, hoạt động in - đúc tiền,...

{keywords}
Dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô sẽ được tự do kinh doanh. Ảnh: L.Bằng

Giám đốc một DN kinh doanh ô tô nhập khẩu kiêm bảo hành, bảo dưỡng ô tô ở Mỹ Đình, Hà Nội khẳng định việc bỏ trạm bảo hành, bảo dưỡng ra khỏi ngành nghề phải xin giấy phép khi kinh doanh là hợp lý.

Vị này chia sẻ: "Khi Bộ GTVT ra Thông tư 19, chúng tôi đã phải đầu tư 10 tỷ đồng để đáp ứng các yêu cầu của một trạm bảo hành, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn. Thế nhưng, đến nay nhìn lại, chúng tôi thấy có nhiều hạng mục đầu tư nhưng rất ít khi sử dụng. Như thế vô cùng lãng phí".

Ông Nguyễn Văn Vỹ, chủ gara Vyoto từng chia sẻ: "Tôi hoạt động 10 năm rồi. Khách hàng là người tự đánh giá một gara đủ tiêu chuẩn hay không. Nghề của tôi là nghề kỹ thuật, nếu tôi không đảm bảo cái đó thì tôi cũng chết chứ không đợi Nhà nước can thiệp”.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ KH-ĐT, cho biết: "Tuyệt đại đa số các ngành nghề được bãi bỏ là do chính các bộ ngành trong quá trình rà soát đưa ra, chúng tôi lấy ý kiến rộng rãi để các DN, nhà đầu tư cùng tất cả những ai quan tâm góp ý. Rồi chúng tôi sẽ gút lại, rà lại, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền".

Rà thêm điều kiện kinh doanh trong các luật khác

Lý giải con số ngành nghề kinh doanh có điều kiện được xóa bỏ lên tới 67 ngành nghề, ông Trần Hào Hùng nói: Nguyên nhân là khi làm Luật Đầu tư 2014, thời gian để tập hợp danh mục các điều kiện kinh doanh theo yêu cầu công khai, minh bạch của Quốc hội rất gấp. Cho nên hồi đó gần như chỉ “chụp ảnh”, tập hợp lại, chứ chưa có điều kiện làm kỹ. Giờ rà lại, thấy nhiều điều kiện kinh doanh bị trùng lặp, cần phải bỏ đi vì không cần thiết".

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, nhìn nhận, khi làm Luật Đầu tư, danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đưa vào vội vàng, chủ yếu từ tổng hợp của các bộ, chưa cân nhắc kỹ. Dự thảo một Luật sửa nhiều luật lần này đưa 67 ngành nghề ra khỏi danh mục là phù hợp, bởi có dựa trên cơ sở thực tiễn, có sự thảo luận giữa các bộ ngành và phản ánh của DN.

{keywords}
Kinh doanh mũ bảo hiểm cũng được đề nghị "cởi trói".

Thực tế, trước khi dự thảo một luật sửa nhiều luật được Bộ KH-ĐT đưa ra lấy ý kiến, VCCI cũng đã có bản đánh giá, rà soát và đề nghị bãi bỏ, sửa hàng chục điều kiện kinh doanh tại Luật Đầu tư 2014 vì không phù hợp.

Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị rà soát các điều kiện kinh doanh quy định trong các luật chuyên ngành khác. Ông Đậu Anh Tuấn thừa nhận rằng việc rà soát điều kiện kinh doanh trong các luật chuyên ngành là khó.

“Cách tiếp cận của ban soạn thảo hơi khác của chúng tôi. Ban soạn thảo thì chỉ muốn tập trung vào Luật DN, Luật Đầu tư, tập trung vào quy trình đầu tư đất đai, xây dựng, tài nguyên, môi trường. Tất nhiên nếu giải quyết được những vấn đề đó là tốt rồi, nhưng chúng tôi tham vọng hơn. Nếu quy định trong các luật có vướng mắc, và chỉ ra rõ rồi thì nên sửa. Vì thế chúng tôi có đề nghị sửa 37 luật; tính cả góp ý của nhiều hiệp hội, chuyên gia nữa thì lên đến 50 luật”, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.

Dù vậy, theo ông Tuấn, trong quá trình đó cũng phải cân nhắc đến tính khả thi. “Nếu sửa nhiều luật quá thì ra đến Quốc hội khả năng bị bác cao. Cũng phải chấp nhận thực tế là không phải cái gì mình đề nghị đều được chấp nhận hết”, ông Tuấn nói và lưu ý, việc sửa luật lần này phải nghiên cứu kỹ, thảo luận kỹ, đặc biệt giữa DN, hiệp hội với các cơ quan nhà nước có liên quan.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, dự án Luật thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết loại bỏ các rào cản trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

“Phải bảo đảm quản lý nhà nước, không buông lỏng quản lý nhưng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi là quan trọng nhất và phải quản lý theo quy luật thị trường”, Thủ tướng kiên quyết.

Lương Bằng