Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam đang được tổ chức tại TP.HCM ngày hôm nay 25/6, với chủ đề Tăng tốc sau đại dịch.

Trong một phiên thảo luận giữa các chuyên gia bao gồm nhà quản lý, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, đều cho rằng dịch bệnh nhìn chung ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng góp phần thúc đẩy thương mại điện tử.

{keywords}
Các chuyên gia thảo luận về đề tài dịch bệnh tạo cú hích cho thương mại điện tử. Ảnh: Hải Đăng

Bà Nguyễn Thuý Anh, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), khẳng định các ngành du lịch, xuất nhập khẩu, vận tải,... chịu ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh, tuy nhiên mảng thương mại điện tử ít bị tác động hơn. Dù vậy, các ngành bị ảnh hưởng cũng là thành phần cấu tạo nên thương mại điện tử. Vì vậy, nhìn chung thương mại điện tử vẫn chịu tác động nhất định.

Trong giai đoạn dịch, từ tháng 2 đến tháng 4, bà Thuý Anh cho biết một số nhóm hàng tăng trưởng mạnh trên kênh online, gồm các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay, hay các mặt hàng thiết yếu khác.

“Mặt tích cực của dịch bệnh là người dùng mua online nhiều hơn. Các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số để thích nghi với giai đoạn mới”, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng kinh tế số của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết.

Bà lấy ví dụ Chợ đầu mối Bình Điền ở TP.HCM là chợ truyền thống, với hệ thống cồng kềnh, nhưng đang muốn chuyển đổi số. Chợ này đang muốn đưa một số mặt hàng đặc trưng lên bán online.

“Đánh giá sơ bộ cho thấy người tiêu dùng rất lạc quan về thương mại điện tử sau giai đoạn dịch”, bà Thuý Anh nói. Đồng thời, phía Cục cũng đang có các biện pháp khuyến khích phát triển thương mại điện tử bằng cách chống tăng giá, thúc đẩy xuất nhập khẩu, phối hợp giảm giá vận chuyển.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc cấp cao Dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, nhận định dịch bệnh có nhiều mặt tiêu cực nhưng mặt khác nó cũng là cú hích, giúp nhiều người thay đổi hành vi. 

Nghiên cứu của Nielsen cho biết có tới 60% người được hỏi đã thử mua hàng trên thương mại điện tử và sẽ tiếp tục mua online nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhiều người ở nhà tránh dịch nên có thói quen nấu nướng, hình thành thói quen mua hàng về nhà.

Là doanh nghiệp thương mại điện tử, phía Lazada cho biết xu hướng mua hàng online mùa dịch cũng tăng lên. Bà Vũ Thị Ánh Tuyết, Chánh văn phòng Lazada Việt Nam, cho biết có những người chưa từng nghĩ đến việc mua hàng online nhưng trong giai đoạn dịch đã mua hàng qua mạng. Từ đó, các nhà bán hàng tận dụng hành vi mới này để mở rộng kinh doanh các mặt hàng khác nhau.

Đại diện Lazada cho biết có khá nhiều doanh nghiệp truyền thống của Việt Nam đang tích cực đưa hàng lên bán trên các nền tảng thương mại điện tử trong giai đoạn dịch bệnh.

Đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết đặt kế hoạch tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm lên 25% vào năm 2025, ước tính 10 năm nữa thương mại điện tử sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán hàng B2C.

“Tuy nhiên sau cú hích mới đây, kết quả tăng trưởng 5 năm tới có thể sẽ vượt kế hoạch”, bà Thuý Anh nhận định.

Hải Đăng

Mua sắm online tiếp tục tăng trong giai đoạn bình thường mới

Mua sắm online tiếp tục tăng trong giai đoạn bình thường mới

Thương mại điện tử có đà phát triển từ giai đoạn dịch đã tiếp tục ghi nhận doanh số gia tăng ở thời điểm hiện tại.