Nhiều học sinh THPT băn khoăn đâu là trường đại học tốt để theo đuổi trong những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Bá Phong, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghiệp Vinh cho rằng, trường có điểm đầu vào cao chưa đủ để khẳng định đó là một đại học “xịn”. 

“Đây thường là những trường đã có thương hiệu. Đôi khi, việc đào tạo của họ có thể chưa thực sự xuất sắc, nhưng sinh viên tại những trường này rất dễ được các doanh nghiệp nhận vào thực tập và làm việc vì danh tiếng lâu năm.

Nhưng thực tế, chính doanh nghiệp mới là nơi đào tạo ra “tài năng” chứ không phải trường học. Bởi hầu hết sinh viên khi vừa tốt nghiệp ra trường không có gì ngoài tấm bằng và còn thiếu rất nhiều kỹ năng để đáp ứng đòi hỏi từ thế giới việc làm”, ông Bá Phong nói.

Ngoài ra, theo ông Bá Phong, việc trường nằm trong các bảng xếp hạng quốc tế cũng không nên là tiêu chí đánh giá một trường đại học tốt. Bởi lẽ, các tiêu chí xếp hạng hiện nay mới chỉ đo lường một phần nhỏ những gì tạo nên một trường thực sự tốt. Trong khi đó, có không ít trường đại học “tinh hoa” lại không có nhu cầu tham gia vào những bảng xếp hạng này.

“Một bảng xếp hạng thực chất không nên do các tổ chức xếp hạng mà phải do chính những sinh viên đã và đang theo học tại trường đánh giá. Việc nhận xét, chấm sao giống như đi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử sẽ là cách thức đánh giá chính xác, khách quan và có giá trị nhất”, ông Bá Phong cho hay.

Học sinh THPT. Ảnh minh họa.

Theo ông Bá Phong, để tạo nên trường đại học tốt, thay vì chạy theo thứ hạng cao, phải là trường đại học thực làm và thiết yếu với xã hội.

Cụ thể, trường đại học tốt phải là trường đào tạo theo vị trí việc làm các doanh nghiệp đang thông báo tuyển dụng thay vì đào tạo theo chuyên ngành chung chung, khó áp dụng vào thực tiễn. 

Khi vào trường, sinh viên sẽ được đi khảo sát ngành mình đang học xem có những vị trí việc làm nào và được tự do lựa chọn từ 3 – 4 vị trí việc làm mình mong muốn để được đào tạo. 

“Thực tế, không có trường đại học đào tạo sinh viên sau khi ra trường có thể đảm nhiệm mấy chục vị trí việc làm một lúc. Ví dụ trong ngành Công nghệ thông tin có khoảng 30 vị trí việc làm, mỗi vị trí có 3 cấp độ gồm Junior (Sơ cấp), Mid-Level (Trung cấp) và Senior (Cao cấp).

Cho nên, thay vì đào tạo chung chung, sinh viên có thể chọn 4 vị trí việc làm để được đào tạo, ví dụ như Frontend developer (Lập trình giao diện website), UI/UX Designer (Thiết kế giao diện người dùng), Digital content creator (Sáng tạo nội dung số) hay Marketing online… 

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đáp ứng ngay nhu cầu tuyển dụng theo các vị trí việc làm doanh nghiệp đang tìm kiếm”, ông Bá Phong nói, đồng thời đề xuất, trường đại học không chỉ là nơi cấp bằng đại học mà nên cấp thêm chứng nhận đào tạo theo vị trí việc làm để sinh viên dễ dàng ứng tuyển các vị trí tại công ty, doanh nghiệp.

Việc xây dựng chương trình học, theo ông Bá Phong, cũng nên dựa trên lộ trình: Giai đoạn 1 học đại cương, giai đoạn 2 học cơ sở ngành, giai đoạn 3 học theo vị trí việc làm.

“Để làm được điều này, chính những giảng viên của trường phải là người đi làm – tức vừa tham gia giảng dạy, vừa đi làm tại doanh nghiệp”, ông Bá Phong nói.

Ngoài ra, theo ông Bá Phong, một ngôi trường tốt phải là trường gắn với doanh nghiệp và thế giới việc làm. Điều này thể hiện thông qua việc nhà trường hợp tác với các doanh nghiệp để đặt trụ sở/văn phòng làm việc ngay trong khuôn viên trường, tạo điều kiện cho sinh viên được thực tập và làm việc đúng ngành, tích lũy kinh nghiệm thực tế ngay từ học kỳ II năm Nhất.

“Bên cạnh việc học đại cương, nhà trường có thể đào tạo xen kẽ một vài vị trí việc làm đơn giản của ngành ngay từ học kỳ II năm Nhất.

Như vậy, sinh viên có thể vừa học, vừa kiếm tiền tự trang trải việc học từ chính ngành của mình, không phải chạy xe ôm công nghệ, bưng bê – vốn là những công việc tốn quá nhiều thời gian. Thông qua đó, những sinh viên nghèo cũng có cơ hội tiếp cận tri thức ở bậc đại học.

Theo ông Bá Phong, làm được tất cả những điều đó, trường ấy sẽ trở thành trường đại học “xịn” và trường đại học “thực làm”.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến có thể gửi về phần bình luận dưới bài viết hoặc email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn.