Là Chủ tịch Công ty S3i Inc có trụ sở tại thành phố Santonio (Texas, Mỹ), một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Tư vấn xuất nhập khẩu - đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ khi tìm hiểu cơ hội đầu tư và xuất khẩu sản phẩm sang thị trường của nhau, nữ doanh nhân gốc Việt Ann Huỳnh còn là thành viên Ban điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ gốc Á của TP. San Antonio (AAACC- tiểu bang Texas).

Những trải nghiệm ở các vị trí khác nhau giúp Ann Huỳnh có những hiểu biết sâu sắc về môi trường kinh doanh tại Mỹ, cũng như những ưu – nhược điểm của doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng là thị trường Mỹ.

Nữ doanh nhân gốc Việt đã có những chia sẻ với VietNamNet nhân chuyến công tác tại Hà Nội mới đây.

Nữ doanh nhân Ann Huỳnh, Chủ tịch Công ty S3i Inc.

- Thưa chị Ann Huỳnh, quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp hai bên, chị nhận thấy điểm yếu nhất của các doanh nghiệp Việt là gì?

Bà Ann Huỳnh: Doanh nghiệp Việt có các điểm mạnh nhưng còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Trước đây, tôi làm việc với các doanh nghiệp Việt để tìm đối tác liên doanh, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Sau này, tôi làm việc nhiều hơn với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. Tôi nhận nhận thấy sự e ngại, dè dặt của doanh nghiệp Việt khi mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt sang Mỹ. 

Điều đó cũng khá dễ hiểu vì xét về địa lý, Mỹ cách xa Việt Nam nên chi phí logistics cao, khi hàng hoá tới Mỹ thì khó có khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt chủ yếu mới chỉ mở rộng trong khu vực Châu Á và khá thoả mãn với hiện trạng.

Ví dụ, trước đại dịch Covid-19, có nhiều doanh nghiệp sản xuất và bán rất tốt tại nội địa nên thậm chí không cần đầu tư website, marketing quảng bá chứ chưa nói tới chuyện xuất khẩu. Sau Covid-19, khi tiêu thị nội địa giảm mạnh, khi đó họ mới nghĩ tới việc đi ra nước ngoài nhưng hơi muộn. 

Như vậy, điểm yếu đầu tiên nằm ở tư duy. Tư duy tự thoả mãn, chưa mở, chưa rộng thì khó mạnh dạn đầu tư để “đánh bắt xa bờ”. 

Thứ hai là tầm nhìn ngắn hạn, không kiên trì để đầu tư dài hạn. Tất nhiên, đây là vòng tròn luẩn quẩn “con gà và quả trứng”, vì đầu tư dài hạn cần trường vốn. Mà doanh nghiệp nhỏ và vừa thì cần quay vòng vốn nhanh. 

Nhiều DN nói với tôi là họ muốn có đơn hàng ở Mỹ rồi mới mở rộng sang Mỹ, mà khi chưa có sự hiện diện ở Mỹ thì lại càng khó kiếm đơn hàng do rất nhiều doanh nghiệp Mỹ không thích làm việc với đối tác ở nước ngoài. Họ chỉ muốn làm với các công ty tại Mỹ mà thôi. 

Doanh nghiệp bao giờ cũng muốn phải bán hàng được ngay, trong khi muốn có được đơn hàng trước hết phải làm marketing thương hiệu và nghiên cứu hành vi, nhóm khách hàng mục tiêu và nhiều hoạt động khác. Thường có khi phải mất đến vài ba năm mới xây dựng niềm tin với người tiêu dùng để đẩy doanh số bán hàng.

Công ty S3i tổ chức cho đoàn Doanh nghiệp Việt Nam thăm quan kho hàng FBA của Amazon tại Tp San Antonio, Texas.

Nếu doanh nghiệp vẫn chỉ muốn “ăn xổi” ở thị trường Mỹ thì sẽ rất khó, vì dù một nhãn hàng ở Việt Nam nổi tiếng thì ở Mỹ, có thể vẫn là “unknown brand” - nhãn hàng chưa ai biết. Do vậy, doanh nghiệp phải lập kế hoạch có đủ thời gian để nhãn hàng “đủ chín”, không ép chín hay bán non, bán xanh. 

Ví dụ, với sản phẩm cafe của doanh nghiệp Việt tại Mỹ, doanh nghiệp nên hướng đến đối tượng khách hàng rộng lớn chứ không chỉ cộng đồng người Việt tại đây. Khẩu vị cà phê của người Mỹ khác với người Việt nên các hãng cà phê danh tiếng chỉ nhập khẩu sản phẩm cà phê thô từ đó chế biến theo cách của riêng họ. Còn hàng Việt bán cho cộng đồng người Việt thì quy mô quá nhỏ. Vì vậy, việc đầu tư nghiên cứu thị hiếu, thị trường rất cần thiết để tăng tính quy mô. 

Điểm tiếp theo không gọi là điểm yếu nhưng khi lạm dụng quá thì sẽ thành yếu, đó là tính linh hoạt. DN Việt vốn nổi tiếng với kiểu “ngắn đòn dễ trở”, linh hoạt, tuy nhiên, khi lạm dụng sự linh hoạt thái quá, nó biến thành sự hay thay đổi, có khi chóng mặt, từ đó dẫn đến việc tốn kém, không hiệu quả. 

Ví dụ, khi tổ chức sự kiện ở Mỹ, thường hợp đồng sẽ ghi chặt chẽ các điều khoản, lường trước các tình huống, hạn chế thay đổi phút chót. Tuy nhiên, một doanh nghiệp Việt Nam khi qua Mỹ tổ chức hội nghị thu hút đầu tư tại một khách sạn lớn thì phút cuối thay đổi liên tục, làm cho khách sạn cũng khó chịu. Đó là chưa nói đến chi phí sẽ tăng gấp đôi, gấp ba khi thay đổi, phát sinh phút chót. Ở Mỹ thì ít khi có kiểu “Anh, chị thông cảm giùm”.

Thứ tư là khả năng tiếp cận đầy đủ thông tin về thị trường còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ ngoại ngữ của các DN nhỏ và vừa chưa tốt như các DN trong khu vực. Do thông tin hạn chế nên việc dự báo rủi ro, lập kế hoạch ứng phó với các thay đổi cũng chưa đủ tốt, dẫn đến tình trạng bị động. 

- Vậy nhưng DN Việt vẫn có những ưu điểm, lợi thế nhất định chứ?

Tất nhiên là có nhiều chứ, nếu không thì tôi đã không mở văn phòng S3i tại Việt Nam. Việt Nam nằm ở vị trí tổng hoà trong khối ASEAN nên chúng tôi không chỉ hướng đến việc kết nối DN Mỹ với Việt Nam mà còn hướng đến khu vực. 

Đối với Mỹ, Việt Nam là thị trường nhỏ, nhưng cơ hội cho các doanh nghiệp của chúng ta vẫn rất lớn vì Việt Nam là quốc gia năng động trong khu vực. Xét ở góc độ vĩ mô, Việt Nam có nhiều lợi thế vì chính sách mở cửa linh hoạt. 

Việt Nam cũng cởi mở, năng động trong việc tiếp cận thông tin. Nhờ đó doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm việc với các đối tác Mỹ. Tôi đánh giá thời điểm này là giai đoạn vàng cho Việt Nam.

Chị Ann Huỳnh nhận Bằng khen của Đại sứ Ted Osius- Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vì đã có thành tích trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam.

- Ngoài những nội dung tư vấn chị đã nêu, công việc tư vấn chắc hẳn sẽ có nhiều tình huống phát sinh theo thực tế?

Có vô vàn tình huống khác nhau. Đôi khi mình còn phải tư vấn những thứ không liên quan đến kinh doanh mà còn cả về lề lối làm việc.

Chẳng hạn như trong chuyến trở về Việt Nam lần này tôi đưa một doanh nghiệp Mỹ sang. Mặc dù đã dặn đại diện doanh nghiệp này khi làm việc tại Việt Nam phải ăn mặc chỉnh tề để gây ấn tượng tốt. Thế nhưng, anh ấy lại mặc chiếc áo cộc tay để lộ hình xăm kín cả hai cánh tay. Do vậy, việc đầu tiên tôi làm là đưa anh ấy đi mua một chiếc áo sơ mi dài tay. Tôi nghĩ đấy cũng chính là giá trị của tư vấn.

Lần khác, khi đón DN Việt qua làm việc tại Mỹ vào năm 2017, chúng tôi phải lưu ý cho đoàn Việt Nam khi nói về chính trị. Lúc đó, Tổng thống Trump (Đảng Cộng hoà) vừa mới thắng cử, trong khi đối tác Mỹ của đoàn Việt Nam là thành viên của Đảng Dân chủ. Vì vậy chúng tôi phải dặn trước phía DN Việt Nam là đừng nhắc tới chính trị, đừng chúc mừng Mỹ có tổng thống mới, kẻo không lại làm đối tác Mỹ phật ý. 

- Theo chị, những mặt hàng nào là lợi thế của Việt Nam khi xuất khẩu qua Mỹ?

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ, mặt hàng nào chiếm tỷ trọng lớn nhất thì mặt hàng đó đương nhiên là thế mạnh của Việt Nam. Xét theo tiêu chí này thì các sản phẩm từ gỗ, nông sản, tôm và cá basa đang có lợi thế lớn.

Nhưng lợi thế càng lớn thì rủi ro cũng càng cao vì Mỹ có thể áp dụng hàng rào phi thuế quan và hàng rào thuế quan như là đánh thuế chống bán phá giá để bảo hộ nền sản xuất nội địa. Khi một mặt hàng nước ngoài có nguy cơ làm ảnh hưởng đến mặt hàng nội địa thì hiệp hội ngành nghề của họ sẽ khởi kiện. Có những lô hàng của Việt Nam còn đang lênh đênh trên biển đã bị phía Mỹ khởi kiện chống bán phá giá. Vậy nên, công tác dự báo khi nào có khả năng bị khởi kiện phải được làm từ trước.

Một số doanh nghiệp Việt đang xuất hàng qua Mỹ với sản lượng thấp và nhà nhập khẩu tại Mỹ không muốn tăng đơn hàng vì sợ rủi ro từ việc bị áp thuế chống bán phá giá. Nhưng chúng ta đã xác định tham gia cuộc chơi lớn thì phải xác định rõ mức độ rủi ro, quan trọng là chúng ta đưa những rủi ro này vào công tác hoạch định ngay từ đầu. Thà là chấp nhận mất 1 đồng cho công tác dự báo còn hơn mất 10 đồng sau này. 

Tôi cho rằng lợi thế của nông sản Việt Nam không phải là lợi thế cạnh tranh mà chỉ là lợi thế so sánh. Cần phải có sự cải tiến mới tạo được sự cạnh tranh. 

Tôi mong muốn các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đầu tư nhiều hơn cho mẫu mã bao bì, tham gia chế biến sâu hơn nữa thay vì chỉ tập trung xuất khẩu sản phẩm thô.

Thật ra việc tiếp cận thị trường Mỹ không có gì ghê gớm lắm đâu. Quan trọng là mọi người biết được đường đi nước bước phù hợp.

Bản thân như tôi, một người xuất phát điểm tỉnh lẻ, học đại học tại Việt Nam, chưa từng học tiếng Anh ở nước ngoài, sau đó mới học thêm bằng MBA ở Thụy Sỹ. Như vậy, xuất phát điểm của tôi không phải là chuẩn quốc tế, nhưng rồi cũng lăn lội tìm được đường đi. Quan trọng là sự kiên trì, nhẫn nại, ham học hỏi và chấp nhận "liều" một chút.

Bây giờ các DN quá thuận lợi vì mọi thứ đều có thể thực hiện trên môi trường online. Nên tôi mong nhiều DN Việt mạnh dạn tiến đến thị trường Mỹ, tìm được một đối tác phù hợp bên Mỹ để rồi biến doanh nghiệp của mình thành một công ty toàn cầu.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.