Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông của Trường ĐH Thương mại cho biết năm 2023, nhà trường dự kiến vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển như năm trước, song có bổ sung thêm một phương thức xét tuyển mới là sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo ông Thái, trường cũng dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT (có thể giảm khoảng 10%) và tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển kết hợp. 

Còn đại diện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay, theo đề án tuyển sinh 2023 đã được công bố, cơ bản giữ ổn định phương án tuyển sinh đại học như năm trước (tuyển sinh 60 mã ngành/chương trình với 6.200 chỉ tiêu, sử dụng 4 phương thức xét tuyển).

Tuy nhiên, nhà trường đã có sự điều chỉnh về chỉ tiêu của từng phương thức xét tuyển so với năm trước. Cụ thể, chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 35% xuống còn 25%; xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội tăng từ 2% lên 3%, tổng 2 phương thức xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp tăng từ 63% lên 72%.

Thí sinh dự kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022.

Sử dụng kết quả của các kỳ thi tuyển sinh riêng

Xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển sinh đại học ngày càng trở nên rõ hơn khi ngày càng nhiều trường đại học tổ chức hoặc sử dụng kết quả của các kỳ thi tuyển sinh riêng.

Mới đây, giữa tháng 12, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố phương án tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực độc lập để tuyển sinh vào đại học năm 2023. 

Trường này dự kiến tuyển 20-30% chỉ tiêu từng ngành thông qua phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi này. Số chỉ tiêu còn lại, nhà trường vẫn sử dụng 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm trước: xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học quốc tế; xét học bạ THPT; xét kết hợp học bạ và kết quả thi năng khiếu với một số ngành.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đến nay, đã có thêm 7 trường cũng quyết định sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ trì để thêm kênh xét tuyển. 7 trường này gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường Sư phạm -Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Hiện, cả nước đã có 5 cơ sở giáo dục ĐH tự tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, hệ thống các trường công an cũng đã có kỳ thi riêng.

ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, năm 2023, có những điều chỉnh trong cấu trúc, nội dung bài thi Đánh giá tư duy.

Cụ thể, bài thi đánh giá tư duy sẽ diễn ra trong 150 phút, giảm 120 phút so với bài thi cấu trúc cũ. Ngoài ra, thay vì diễn ra cả ngày và thi trên giấy như các năm trước, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2023 được tổ chức theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính trong một buổi.

Còn GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023 của trường sẽ không có bất kỳ thay đổi gì về dạng thức, cấu trúc đề thi trong những năm qua. 

Những điều chỉnh chỉ về việc giới hạn số lần dự thi, tăng chế tài xử phạt thí sinh vi phạm quy chế, lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí thi. 

Theo đó, ĐH Quốc gia Hà Nội giới hạn thí sinh chỉ đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày.

Việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tiễn năm 2022 với hơn 20.000 lượt thi của thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác mong muốn được thi.