Con số thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, có gần 300 trường hợp phụ nữ vắng mặt tại địa bàn tỉnh Điện Biên, nghi bị đối tượng xấu lừa bán sang Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ và Điện Biên Đông.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, Điện Biên có 455,573km đường biên giới với hai quốc gia là Lào và Trung Quốc, có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn và chịu nhiều ảnh hưởng của các tập tục lạc hậu, trình độ nhận thức đã có chuyển biến nhưng còn chậm. Số người nghiện ma túy ngoài xã hội vẫn còn nhiều, số đối tượng hình sự hoạt động lưu động từ tỉnh khác đến có chiều hướng ngày càng gia tăng khiến tình hình trạng mua bán người diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp.

{keywords}
 Đưa cán bộ công an bám sát địa bàn, tuyên truyền về phòng chống mua bán người.

Phần lớn các vụ mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội không mới, phổ biến vẫn là lừa đi tìm việc làm thu nhập cao, đi thăm thân, du lịch, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi. Hoặc làm quen, giả vờ yêu đương, sau đó đưa nạn nhân lên các tỉnh biên giới rồi bán cho các đối tượng người Trung Quốc làm vợ hoặc ép làm gái mại dâm. Nhiều trường hợp bạn bè chơi với nhau hàng ngày, nhưng khi cần tiền để chơi bời chúng sẵn sàng dụ dỗ, đem bán cho kẻ xấu... Thậm chí, ngay cả người nhà cũng lừa nhau đem bán ra nước ngoài.

Các đối tượng đã lợi dụng triệt để sự thiếu hiểu biết, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn của nạn nhân để thực hiện trót lọt tội phạm. Tuy nhiên, khác với trước đây, khâu tiếp cận và làm quen với nạn nhân trực tiếp thì hiện nay, ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo... để liên lạc, làm quen với nạn nhân (do tính bảo mật cao, khó bị phát hiện cũng như đảm bảo được bí mật về thông tin cá nhân, đặc điểm nhận dạng...). Sau đó, dụ dỗ các bé gái và chị em người dân tộc ở vùng sâu vùng xa có nhu cầu việc làm theo chúng lên biên giới tìm việc, hoặc vờ yêu đương rồi bán cho bọn mua bán người. 

Để ngăn ngừa và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Điện Biên đã thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng chức năng, trực tiếp là công an và bộ đội biên phòng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng tội phạm buôn bán người.

Lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; điều tra, xử lý nghiêm các vụ mua bán người đúng theo quy định của pháp luật. Công tác phối hợp quốc tế trong tiếp nhận, giải cứu nạn nhân bị buôn bán cũng được thực hiện có hiệu quả. 

Gần đây, Công an tỉnh Điện Biên đã triển khai có hiệu quả nhiều kế hoạch, chương trình, trong đó có việc đưa cán bộ cơ sở bám sát địa bàn, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, tập trung khảo sát tình hình tội phạm, tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức kết hợp với phát động phong trào Toàn dân tham gia phòng chống, tố giác tội phạm.

Trong 4 năm (2015 - 2019), Công an tỉnh đã phát hiện, triệt phá 85 vụ án, chuyên án đấu tranh bóc gỡ các đường dây mua bán người giải cứu 48 nạn nhân, đưa trở về địa phương đoàn tụ với gia đình. Năm 2020 chỉ bắt giữ 2 vụ và 6 tháng đầu năm 2021 không ghi nhận vụ việc nào.

Ðể công tác phòng, chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả, bền vững, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp ở Điện Biên cần nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác của bà con nhân dân, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ cao. Phát huy tốt tinh thần chủ động, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác của người dân đối với tội phạm buôn bán người.

Bạt Tuấn