5 năm bị khởi tố, 7 lần nhận kết luận điều tra

Đầu tháng 8, Viện KSND tỉnh Bình Dương có quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định quản lý sử dụng tài sản gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến ông Nguyễn Hồng Khanh – cựu Bí thư TX Bến Cát. 

Ông Khanh bị cáo buộc là đồng phạm, giúp sức cho 2 cán bộ ngân hàng BIDV gây thất thoát tài sản Nhà nước. Đây có thể coi là kỳ án, khi ông Khanh bị khởi tố bị can trong hơn 5 năm, 7 lần cơ quan công an ban hành kết luận điều tra, cùng nhiều lần trả hồ sơ từ VKSND và TAND tỉnh Bình Dương nhưng vẫn chưa có hồi kết.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, cựu Bí thư Bến Cát liên tục gửi đơn kêu oan. Ảnh: Linh An

Diễn biến mới, giữa tháng 8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương có quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại đối với 2 bị can Nguyễn Huy Hùng (cựu Giám đốc ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (cựu Phó Phòng ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn). 

Đáng nói, sau 5 năm bị tạm giam, đến nay hai ông Hùng và Lộc mới được tại ngoại, trong khi vụ án chưa thể giải quyết dứt điểm.

Theo hồ sơ, giai đoạn từ 2012 – 2015 vợ chồng ông Khanh 4 lần mua đất, tổng cộng 18ha của bà Hồ Thị Hiệp (đã mất). Phần đất mà bà Hiệp thế chấp tại ngân hàng BIDV để vay vốn nhưng mất khả năng chi trả nên ngân hàng đồng ý cho bà bán đất để trả nợ. Những lần giao dịch, bà Hiệp tự liên hệ ngân hàng để giải chấp, mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã xoá thế chấp đến Văn phòng công chứng làm thủ tục mua bán.

Sau khi bà Hiệp mất, con trai của bà tố cáo ông Khanh cùng 2 cán bộ BIDV đã cấu kết, o ép mẹ ông bán đất giá rẻ. Từ đây, 3 người trên cũng một số cán bộ chính quyền cấp xã, TX Bến Cát bị khởi tố bởi nhiều tội danh.

Ông Khanh từng bị TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm, tuyên phạt 10 năm tù. Hai cán bộ ngân hàng lần lượt lãnh 11 và 12 năm tù giam cùng về tội trên. Tất cả đều kêu oan.

Đáng nói tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX đã tuyên huỷ toàn bộ bán án sơ thẩm, chuyển hồ sơ để điều tra lại. 

Khu đất ông Nguyễn Hồng Khanh mua của bà Hồ Thị Hiệp. Ảnh: Linh An

Từ đó đến nay, Cơ quan điều tra liên tục ban hành kết luận điều tra nhưng đều bị VKSND tỉnh tuyên trả hồ sơ.

Rất nhiều vấn đề mấu chốt trong vụ án được cấp toà phúc thẩm chỉ ra là mâu thuẫn, chứng cứ phiến diện, thiếu căn cứ, chưa đủ cơ sở, không phù hợp với quy định pháp luật. 

Tạo dựng vụ án?

Cụ thể, cơ quan điều tra không chứng minh được ông Khanh cùng 2 cán bộ ngân hàng có hành vi o ép bà Hiệp bán đất giá rẻ, mà việc mua bán này bà Hiệp có đăng báo để tìm khách hàng và ông Khanh thông qua môi giới mới biết để mua.  Ngoài ra, 2 cán bộ ngân hàng có các bút lục, lời khai thể hiện không quen biết ông Khanh...

Quan trọng, tài sản bị xâm hại có phải của Nhà nước hay không? Đại diện BIDV tham gia tố tụng khẳng định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Hồ Thị Hiệp thế chấp tại ngân hàng không phải là tài sản của ngân hàng”.

Chứng cứ duy nhất mà cơ quan điều tra sử dụng để buộc tội ông Khanh là hợp đồng mua bán giữa 3 bên (thu giữ được khi khám xét nhà ông này). Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện, bà Hiệp có đơn gửi ngân hàng xin bán tài sản thế chấp để trả nợ, khi ngân hàng đồng ý thì bà mới được giải chấp, mang đến Văn phòng công chứng làm thủ tục mua bán với ông Khanh. 

Nhận định về chứng cứ buộc tội này, cấp toà phúc thẩm đã bác bỏ khi cho rằng không đủ cơ sở, không phù hợp quy định pháp luật.

Mới đây, ông Khanh tiếp tục có đơn gửi báo VietNamNet kêu cứu, cho rằng, bản chất của vụ án là ông bị trù dập, trả đũa xuất phát từ việc sắp xếp nhân sự tại địa phương. 

Hợp đồng mua bán đất trong vụ việc của ông Nguyễn Hồng Khanh tương tự các trường hợp mua bán tài sản đang bị cầm cố tại ngân hàng khác. Ảnh: Linh An

Ông Khanh cho rằng, giai đoạn ông làm Bí thư TX Bến Cát, Đảng bộ ở đây có giai đoạn 'mệt mỏi' khi 1 nhân sự không đủ phiếu tín nhiệm để trúng cử chức danh như Nghị quyết Ban thường vụ Tỉnh uỷ đề ra. Dù thế, Ban chấp hành Đảng bộ TX Bến Cát không đề nghị kỷ luật cá nhân ông Khanh nhưng Tỉnh uỷ lại kỷ luật ông bằng hình thức khiển trách.

Sau khi bị điều động về Ban tổ chức Tỉnh ủy trong thời gian 2 năm, ông Khanh đã có tố cáo về vi phạm nghiêm trọng liên quan đến một số lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Sau đó xuất hiện đơn thư tố cáo nhắm đến ông, trong đó có vụ mua bán đất lạ lùng nói trên.

Đáng nói, khi đó Bí thư Tỉnh uỷ Trần Văn Nam (người bị án 7 năm tù, liên quan đến vụ án chuyển nhượng trái phép đất vàng ở Bình Dương) không cử Uỷ ban Kiểm tra vào cuộc xác minh theo tinh thần Chỉ thị 15 của Đảng, mà giao Công an tỉnh điều tra. 

“Tôi là Đảng viên có chức vụ Tỉnh uỷ viên, Bí Thư thị uỷ, Đại biểu HĐND tỉnh nhưng không được cơ quan Đảng và HĐND mời làm việc liên quan đến việc tố cáo lần nào cả. Tôi không bị kiểm điểm hoặc bị kỷ luật gì liên quan đến việc tố cáo cho đến ngày bị bắt (10/8/2018). Vậy đây có phải là sự tạo dựng sắp đặt vụ án không? Có đúng quy định của Đảng và Pháp luật của Nhà nước không?”, ông Khanh nêu trong đơn gửi đến VietNamNet.

Ngoài ra, tình tiết lạ lùng khác mà ông Khanh cho rằng vụ án có dấu hiệu tạo dựng. Đó là con trai của bà Hiệu gửi đơn tố cáo ngày 16/10/2016, tại phòng bảo vệ công an tỉnh. Nhưng cùng ngày, Cơ quan CSĐT ra quyết định số 179/PC46 phân công giải quyết tố giác tội phạm và Viện KSND cũng ra quyết định số 55/VKS-P1 phân công giải quyết tố giác tội phạm. 

Đến ngày 18/10/2016, tức cách 2 ngày sau, Cơ quan CSĐT mới ra thông báo số 18 tiếp nhận đơn tố giác tội phạm. Vậy cơ quan tố tụng đã phân công giải quyết tin báo tố giác tội phạm trước cả ngày nhận đơn tố giác.

Thông tin tới VietNamNet, ông Khanh cho biết vừa cùng luật sư gửi đơn đến cơ quan tố tụng Bình Dương, kiến nghị 1 số nội dung liên quan vụ án. Trong đó, đề nghị cơ quan tố tụng có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, yêu cầu bồi thường oan sai, khôi phục danh dự, nhân phẩm cho ông theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.