Hiệu quả cao

Trồng hàng chục ha chuối ở Gia Lai, năm 2020 ông Nguyễn Văn Quyền đã đầu tư thêm điện mặt trời áp mái vừa phục vụ trồng cây, vừa bán điện thu tiền vì nếu không làm điện mặt trới áp mái thì riêng tiền điện mỗi tháng ông mất khoảng 50 triệu đồng.

{keywords}
Sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái

Ông Quyền cho biết, nhờ làm điện áp mái nên ngoài giảm được tiền điện phải đóng, mỗi tháng trang trại nông nghiệp của ông còn thu được khoảng 240-250 triệu đồng tiền điện. Những tháng gần đây do bị cắt giảm công suất nên ông chỉ thu được 80 – 90 triệu đồng. 

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp là mô hình sử dụng đất kết hợp có chủ đích đối với hoạt động phát điện mặt trời và sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), nhằm giảm nhẹ xung đột sử dụng tài nguyên đất và mang lại lợi ích kinh tế xã hội lớn hơn so với ứng dụng đơn lẻ.

Ngoài ra, hệ thống pin mặt trời sẽ tạo bóng râm giúp giảm bức xạ mặt trời, giảm tốc độ bốc hơi nước và tiết kiệm được khoảng 14-29% nước tưới cho cây trồng. Do đó, hệ thống pin mặt trời rất thích hợp với nhiều loại cây ưa ánh nắng tán xạ.

Theo đánh giá của Viện Năng lượng, việc triển khai dự án điện mặt trời áp mái đem lại nhiều lợi ích cho hộ gia đình chủ đầu tư và cộng đồng. Về mặt kinh tế, Dự án điện mặt trời áp mái giúp hộ gia đình/chủ đầu tư giảm chi phí mua điện hàng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp hoặc giảm giá mua điện lưới ở bậc cao.

Với sản lượng dối bán lên lưới, hộ gia đình/chủ đầu tư sẽ có thêm khoản thu nhập. Mặt khác, dự án điện mặt trời áp mái không tốn diện tích lắp đặt trong khi đây là một giải pháp chống nóng hiệu quả cho công trình.

Về tổng thể, Dự án Điện mặt trời áp mái đấu nối vào lưới hạ áp và trung thế sẽ làm giảm áp lực đầu tư vào lưới địa phương. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng sạch và bất tận.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết: “Mô hình kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và điện mặt trời áp mái là mô hình phù hợp với tỉnh Hậu Giang. Hệ thống điện mặt trời có thể đấu nối vào đường dây 22 kV có ở khắp mọi nơi, vừa giúp giảm thiếu hụt nguồn điện tại chỗ, vừa tạo thêm việc làm và phát triển nông nghiệp địa phương”.

Chờ cơ chế mới

Từ khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời Việt Nam, điện mặt trời nối lưới có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Khi đó, điện mặt trời áp mái không được coi là một đối tượng riêng và có mức giá bán điện chung là 9,35 UScents/kWh.

Ngày 06/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Theo đó, điện mặt trời áp mái trở thành một đối tượng riêng có công suất không quá 1 MW và đấu nối vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống, có những cơ chế ưu đãi khác biệt nhằm thu hút nhiều hơn nữa hệ thống điện mặt trời mái nhà, góp phần tăng nguồn cung cấp điện tại chỗ, giảm tổn thất hệ thống truyền tải và phân phối.

Sau đó, Quyết định 13 quy định, giá bán điện cho EVN tương đương 8,38 UScent/kWh, áp dụng cho hệ thống điện mặt trời áp mái có thời điểm vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 01/7/2019 đến ngày 31/12/2020 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vào vận hành phát điện. 

Với cơ chế khuyến khích mới, số lượng dự án điện mặt trời áp mái gia tăng mạnh mẽ.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng cơ chế mới cho điện mặt trời áp mái sau khi Quyết định 13 hết hiệu lực.

Việc lắp đặt công tơ hai chiều tại mỗi dự án điện mặt trời áp mái góp phần làm giảm tiêu thụ điện, trước khi thực hiện phát điện lên lưới.

Viện Năng lượng cho rằng: Nếu xét góc độ tổng thể quốc gia, điện mặt trời áp mái thực sự ý nghĩa về việc giảm tổn thất lưới, tăng nguồn cung cấp điện và có đóng góp trong việc tiết giảm tiêu thụ điện tại chỗ.

Trong Quy hoạch điện 8, điện mặt trời áp mái sẽ được coi là một dạng nguồn phát riêng biệt trong Chương trình Phát triển nguồn điện, đồng thời là giải pháp tiết kiệm điện sẽ được tích hợp trong phần dự báo nhu cầu tiêu thụ điện trong tương lai.

Phạm Bằng