Trang VZ đăng tải những tình tiết thú vị trong vụ bê bối gián điệp mới giữa Mỹ và Đức vừa qua.
Theo đó, điệp viên Cơ quan Tình báo Đức (BND) bị nghi ngờ làm gián điệp cho Mỹ đã bị lộ tẩy sau khi ‘chào hàng’ không thành công với cơ quan tình báo Nga.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Hình minh họa. Ảnh: Business Week |
Khi cá không cắn câu
Ba tuần trước khi bị bắt (ngày 28/5), viên sỹ quan 31 tuổi của BND đã gửi thư điện tử cho Tổng lãnh sự quán Nga tại Munich, trong đó đề nghị được làm gián điệp cho Nga.
Để chứng minh vai trò quan trọng của mình, viên sỹ quan này còn gửi kèm 3 tài liệu mật. Trong số đó có 2 tài liệu của Ủy ban Quốc hội điều tra hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Nhưng, khác với những lần trao đổi trót lọt với Mỹ trước đó, phi vụ với người Nga lại không thành công. Đại sứ quán Nga tại Đức đã ‘không cắn câu’.
Bức thư điện tử này đã bị các sỹ quan của Cơ quan liên bang bảo vệ Hiến pháp thu được. Họ không mở được nội dung để tìm ra tác giả của bức thư, do vậy họ đã nhờ các đồng nghiệp Mỹ. Nhưng đề nghị của Đức không nhận được câu trả lời nào, còn danh mục thống kê người sử dụng trong hệ thống thư điện tử cũng bị xóa sạch.
Cách thức chào hàng như vậy của điệp viên hai mang Đức trước đó đã thành công khi làm việc với người Mỹ. Theo thông báo của F.A.S, viên sỹ quan tình báo của BND đã chủ động đề nghị giúp đỡ tình báo Mỹ trong thư điện tử gửi cho Đại sứ quán Mỹ tại Berlin.
Theo tờ Bild am Sonntag dẫn nguồn tin từ các cơ quan đặc biệt Đức, nghi phạm gián điệp hai mang này chuyển cho các nhân viên CIA những tài liệu bí mật mỗi tuần một lần. Tổng cộng, y đã chuyển cho CIA 218 tài liệu mật được lấy từ những máy vi tính của BND, trong đó có 2 tài liệu liên quan đến hoạt động điều tra của Ủy ban Quốc hội đối với hoạt động của NSA tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Viên sỹ quan tình báo BND này ít nhất đã từng có 3 lần gặp các nhân viên tình báo Mỹ tại Áo và được lĩnh khoảng 25 nghìn Euro tiền thù lao. Động cơ cộng tác với tình báo nước ngoài được viên sỹ quan BND gọi là “sự thật thà”.
Sau khi vụ việc bị truyền thông phanh phui, hôm 5/7, Đại sứ Mỹ tại Berlin John Emerso đã bị Bộ Ngoại giao Đức triệu tập để giải thích về sự việc. Hiện Viện Công tố Liên bang Đức đang tiến hành điều tra.
‘Thế là đủ rồi’
Phát biểu về vụ bê bối, Tổng thống Đức Joachim Gauck nói rằng điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Đức, đến tình hữu nghị giữa hai nước.
Ông Gauck nhấn mạnh, Đức đã có những cuộc tranh luận kéo dài và gay gắt về việc NSA có quyền gì mà theo dõi các quốc gia khác và công dân của họ, trong đó có Đức. Ý ông Gauck muốn đề cập đến vụ bê bối mới đây xung quanh việc gián điệp trên mạng.
Theo ông, hồ sơ này cần phải được đóng lại. Nếu khẳng định chắc chắn rằng nhân viên BND làm gián điệp cho Mỹ, thì điều đó có thể được coi là “trò chơi với hữu nghị và quan hệ chặt chẽ”. Khi đó cần phải nói rằng “Thế là đủ rồi!”.
Theo các phương tiện thông tin đại chúng Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã “rất thất vọng và xúc động” khi nghe thông tin về gián điệp Mỹ trong cơ quan tình báo Đức, trong thời gian bà đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc.
Chính phủ Đức tuyên bố chính thức rằng sẽ chờ kết quả điều tra sự kiện. “Tuy nhiên, nếu những cáo buộc được khẳng định, thì uy tín của Mỹ ở Đức sẽ bị tổn hại nghiêm trọng” – đó là tuyên bố của một quan chức tháp tùng Thủ tướng Đức sang Trung Quốc.
Berlin cho rằng, sau vụ lùm xùm xung quanh vụ do thám trên mạng của NSA và vụ nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Merkel, thì vụ việc mới đây là “tín hiệu rõ ràng” cho thấy mưu toan của Washington tăng cường kiểm soát hoạt động của các cơ quan đặc biệt đã không có kết quả.
Một năm trước đây, dựa vào những tài liệu tiết lộ của Edward Snowden, các phương tiện thông tin đại chúng đã phát hiện tình báo Mỹ hàng tháng thu khoảng 500 triệu cuộc gọi điện thoại và thông tin trên Internet tại Đức, trong đó có cả những cuộc điện thoại của Thủ tướng Đức A.Merkel.
Trước đó một cựu nhân viên NSA của Mỹ Thomas Drake tuyên bố rằng, tình báo Đức hợp tác chặt chẽ với NSA đến mức trở thành một nguồn cung cấp cho NSA, và chính điều đó là vi phạm Hiến pháp của Đức.
Thomas Drake từng làm việc trong cơ quan đặc biệt Mỹ 5 năm từ 2001 đến 2006, xây dựng một chương trình gián điệp và đã bị sa thải vì xung đột với cấp trên. Viên sỹ quan này bị kết tội tiết lộ bí mật, tuy nhiên anh ta đã trốn được, không bị ngồi tù.
Thomas Drake đã tham gia các cuộc điều trần của Ủy ban đặc biệt Quốc hội Đức liên quan tới hoạt động của NSA, với tư cách là nhân chứng quan trọng. Theo cựu nhân viên đặc biệt này, trong bối cảnh hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan đặc biệt Mỹ và Đức, BND không thể không biết đến những vụ theo dõi rộng lớn của NSA đối với các công dân Đức. BND và NSA đã tung hỏa mù đối với những dân thường, trong đó giấu biệt mối quan hệ chặt chẽ của họ vốn đang trái với luật pháp Đức.
Thomas Drake cho rằng “sự im hơi lặng tiếng” của BND là bất thường. Sẽ đến lúc xuất hiện một Edward Snowden của Đức, thì bức màn bí mật được vén lên. Cựu nhân viên tuyên bố rằng, cơ quan đặc biệt tích cực cung cấp tin tức tình báo cho Mỹ để Mỹ sau này sử dụng vào các vụ không kích của những máy bay không người lái Mỹ vào những khu vực khác nhau trên thế giới.
“Nước Đức được sử dụng như sân chơi để áp dụng những công nghệ không người lái” - Thomas Drake.
Cựu nhân viên của NSA Mỹ kêu gọi Chính phủ Đức cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động của cơ quan tình báo để tránh hậu họa của “quả bom nồ chậm”. Edward Snowden từng gọi Drake là nhân chứng vô cùng quan trọng để điều tra vụ bê bối liên quan đến NSA.
Lê Thắng