- Nếu không xoá bỏ thì nhất thiết phải điều chỉnh để các đập Don Sahong và Don Xayaburi không gây ra những tác hại to lớn trong tương lai.

Đồng bằng Cửu Long bị đe dọa

Hàng chục đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong, đoạn qua nước Lào, đều có ảnh hưởng bất lợi đến tài nguyên thiên nhiên ở mức độ khác nhau đối với Việt Nam, Campuchia và cả Thái Lan. Nhưng dự án trên đập Don Sahong nếu được thực thi toàn bộ sẽ là mối đe dọa lớn nhất, vì vậy nó đang là mối quan tâm trước mắt đối với Việt Nam.

Sông Mekong với độ dài dao động trong khoảng 4.200 km đến 4.850 km, nhưng gần một nửa chiều dài Mekong chảy trên lãnh thổ Trung Quốc, tiếp theo chảy dọc biên giới của Lào và Thái Lan và chỉ chảy trên đất Lào 750 km từ Mènam Mun đến quá thác Khone gần biên giới Campuchia. 

{keywords}
Bản đồ bao gồm vị trí đập Don Sahong trong dự án xây dựng của phía Lào đang bị các nước phản đối. Hình: STIMSON.

Đến Campuchia, sông Mekong lấy tên mới là Tông-lê Thơm (tức Sông Lớn). Gần Phnôm Pênh sông này hợp lưu với sông Tông-lê Sáp, nhưng trước đó, hai chi lưu khác là Sông SeSan và sông Serepok (bắt nguồn từ Tây Nguyên của Việt Nam) cũng hợp lưu với nó ngay trên lãnh thổ Campuchia gần khu vực Stung Treng. Bắt đầu từ Phnôm Pênh, dòng sông này chia ra thành 2 nhánh sông và chảy vào đồng bằng Nam Bộ của Việt Nam, gọi gộp chung là Cửu Long Giang (hay sông Cửu Long) với nhánh bên phải là Hậu Giang và bên trái Tiền Giang với chiều dài chừng 220–250 km mỗi sông.

Để xét toàn diện về các tác hại gây ra bởi các đập trên sông Mekong, trước hết cũng nên nói đến về mặt giao thông đường thủy. Do thác Khone trên đất Lào gần biên giới Campuchia khá kỳ vĩ, dài đến 15 km, cao những 18 m nên giao thông đường thuỷ gần như không thể vượt qua. Chính vì vậy, việc xây dựng các đập chắn ở phía trên như Don Sahong không còn có ý nghĩa tác hại hay không về mặt giao thông đường thuỷ giữa các nước hạ lưu và thượng lưu.

Tác hại đáng quan tâm nhất đối với Campuchia và Việt Nam là về phương diện môi trường sinh thái. Trong những tác hại cụ thể do các đập thủy điện trên dòng chính Mekong gây ra, giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà khoa học nông nghiệp nổi tiếng, nguyên P. Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh đến nạn thiếu nước: “Hiện nay, nước ở đồng bằng Cửu Long để phục vụ cho vụ đông xuân đã bắt đầu thiếu rồi. Chúng ta thấy trong mùa khô, nước ngọt thiếu nên nước mặn vào khá sâu phía trong. Nếu có thêm những đập mới nữa (như Don Sahong và Xayaburi. T.M.), thì tôi e nước sông Cửu Long sẽ càng thiếu hơn, khiến vụ đông xuân sẽ bị ảnh hưởng có thể rất tồi tệ”.

Hơn nữa, Sông Mê Kông còn là nguồn nước cho sự sống của hàng chục triệu cư dân trong lưu vực, có đa dạng sinh học vào loại thứ hai trên thế giới, hiện đã có hơn 700 loại cá đã được định danh, trong đó có nhiều loại cá quý hiếm thuộc loại da trơn. PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), đánh giá: “Thủy điện Don Sahong được đặt ngay đường di chuyển chủ yếu của các loại cá di cư trên sông Mê Kông từ phía Campuchia đến vùng Hạ Lào và là nơi có nhiều khu bảo tồn các giống cá đang trong tình trạng nguy cấp (hơn 700 loại cá đã được định danh. T.M.), cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, ví dụ loài cá heo nước ngọt Irrawaddy hay là loài cá da trơn khổng lồ Pangasianodon gigas. Rất nhiều loài cá phải vượt qua các đoạn dòng ở Don Sahong để đẻ trứng vào mùa sinh sản rồi cá con theo dòng chảy để về hạ lưu của Campuchia và Việt Nam. Dự án thủy điện này có nguy cơ cắt đường cá đi hoặc làm thay đổi nhịp dòng chảy trên hệ thống sông”.

Trách nhiệm với tương lai

Chính vì những mối đe dọa nghiêm trọng ở trên, trong các cuộc họp với MRC vừa qua, cùng với đại biểu của chính phủ Campuchia, đại biểu của Việt Nam đưa ra yêu cầu phía Lào hoãn việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính, trong đó có Xayaburi và Don Sahong ít nhất 10 năm để đánh giá đầy đủ các tác động mọi mặt của dự án lên toàn bộ hệ thống. Về phía chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban sông Mekong đã chi ra ra 5 triệu USD để thuê chuyên gia tư vấn Đan Mạch… đánh giá các tác động của hệ thống thủy điện trên sông Mekong đến kinh tế xã hội và môi trường vùng ĐBSCL. Dự kiến đến cuối năm nay mới có báo cáo sơ bộ về các tác động này. Ngoài ra, Bộ Khoa học và công nghệ đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KC08.13/11-15 “Nghiên cứu đánh gía tác động của các bậc thang thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mekong đến dòng chảy, môi trường, kinh tế xã hội vùng đồng bằng sống Cửu Long và đề xuất giảm thiểu bất lợi”.

Các dự án, đề tài nghiên cứu nói trên, kết hợp với các nghiên cứu khác của các nhà khoa học ở trong và ngoài nước hẳn là cơ sở, luận cứ khoa học thuyết phục phía Lào trong việc tham vấn để xem xét nghiêm túc các dự án thủy điện trên dòng Mekong, trước hết là Don Sahong và Xayaburi.

Không phải bất ngờ khi trong cuộc họp lần thứ 20 cấp Hội đồng Ủy hội sông Mê Kông (MRC) tại Bangkok, Thái Lan ngày 27/6/2014  mới đây, chính phủ Lào đã đưa ra tuyên bố sẽ thực hiện quy trình Thông báo, Tham vấn và Thỏa thuận trước (viết tắt PNPCA) đối với dự án đập thủy điện Don Sahong. Các nước trong khu vực như Thái Lan, đặc biệt Campuchia và Việt Nam nằm ở hạ lưu Mekong bỗng có chút “nhẹ nhõm”. Vì mới năm ngoái, tháng 9/2013  Lào gửi thông báo đến MRC về kế hoạch xây dựng con đập Don Sahong tại khu vực gần biên giới với Campuchia với quan điểm cho rằng đập này chỉ là đập dòng “nhánh” và không cần phải thực hiện PNPCA!

Nhưng chỉ có thể “nhẹ nhõm” phút chốc thôi, vì bây giờ dù không còn cho rằng Don Sahong chỉ là đập dòng “nhánh” nhưng Ông Viraphonh Viravong, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, trong tuyên bố tại cuộc họp của MRC cũng chưa có một câu nói chính thức nào thừa nhận rằng đập Don Sahong nằm trên dòng “chính”.

Chính e ngại những điều lắt léo kiểu đó, trước đây Tổ chức Sông ngòi Quốc tế IR (International Rivers) cùng với các đại diện tổ chức và đoàn hội nghề nghiệp khác lên tiếng mạnh mẽ kêu gọi Chính phủ Lào cho dừng việc xây dựng dù mới khởi động tại khu vực Don Sahong để tiến đến hợp tác một cách có thiện chí trong đánh giá lại dự án này theo văn bản PNPCA. Điều lắt léo cũng đã từng diễn ra trước đó, khi các nước đưa ra yêu cầu nếu không xoá bỏ các dự án có hại thì nhất thiết phải điều chỉnh chúng để các đập Don Sahong và Don Xayaburi không gây ra những tác hại to lớn trong tương lai. Nhưng khi thực thi quy trình PNPCN đối với dự án thủy điện Xayaburi, họ cứ khởi công xây dựng bất chấp sự phản đối từ Campuchia và Thái Lan. Trong bối cảnh như vậy, mới gần đây đã diễn ra một động thái mạnh mẽ: Tòa án Tối cao Thái Lan vừa mới thụ lý đơn kiện từ dân chúng ở Thái Lan đối với Công ty điện lực Thái Lan (EGAT) và các công ty khác đã ký mua 95% sản lượng điện của Xayaburi trong tương lai.

Qua các sự kiện đã diễn ra, các tổ chức quần chúng, các cơ quan khoa học công nghệ, môi trường và cao hơn nữa là các chính phủ của hai nước hạ lưu bị tác hại nhiều nhất là Campuchia và Việt Nam càng phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh cấp thiết và chính đáng của mình nhằm mục tiêu: nếu không xoá bỏ các dự án có hại thì nhất thiết phải điều chỉnh chúng để các đập Don Sahong và Don Xayaburi không gây ra những tác hại to lớn trong tương lai.

Trần Minh