– “Tại sao một đất nước có một nền âm nhạc tử tế, các nhạc sĩ tử tế, tác phẩm tử tế... mà không đưa đến được cho các bạn trẻ?”, nhạc sĩ Dương Thụ đặt ra câu hỏi, rồi ông lại tự nhận lỗi về mình.

BÀI LIÊN QUAN

Trong tuần cuối cùng chuẩn bị cho hòa nhạc Điều còn mãi 2012, nhạc sĩ Dương Thụ không ngơi nghỉ. Ông trả lời phỏng vấn liên tục, trong khi các kế hoạch tập luyện cùng ekip 200 người vẫn đang được tiến hành.

Tôi chờ đến cuối buổi họp báo để phỏng vấn ông, và điều đó quả là đáng giá. Ông đã chia sẻ những kí ức sâu nặng bằng lời tâm sự chậm rãi như thể có rất nhiều thời gian – mặc dù điều đó dường như không đúng – với một người có tuổi ham làm việc. Có một lúc nào đó, phóng viên bắt gặp khoảnh khắc run rẩy của người nhạc sĩ, khi ông nói về tình yêu – một tình yêu thật thuần khiết. “Không phải là tham vọng, mà tôi yêu âm nhạc Việt Nam”, nhạc sĩ Dương Thụ nói.


Khi chưa có hòa nhạc “Điều còn mãi”, phải nói thật rằng rất ít người biết được các nhạc sĩ gạo cội của Việt Nam từng sáng tác khá nhiều giao hưởng, sonate hay concerto, những người như nhạc sĩ Hoàng Vân, Đàm Linh, Trọng Bằng, Văn Chung, Nguyễn Văn Nam... Trước đây các tác phẩm của họ được biểu diễn ở đâu, thưa ông?

- Ở Nhà hát lớn. Thời kì hoàng kim của khí nhạc VN là những năm đầu thập kỉ 60. Thời ấy tôi từng tìm cách lặn lội vào nhà hát. Có khi bằng vé, có khi bằng cửa sau. Nhà hát lớn khi đó là thánh đường nghệ thuật, giờ thì không phải nữa, chương trình nào cũng vào được.

Thời đó người Hà Nội rất ưa chuộng văn hóa cổ điển, nên những thế hệ nhạc sĩ đàn anh như Hoàng Vân hay Đàm Linh rất nổi tiếng. Những bạn trẻ như tôi bấy giờ (lúc đó còn rất trẻ) thần tượng họ, hâm mộ họ, nhìn những người viết khí nhạc bằng con mắt rất khác.

Bây giờ những bạn trẻ thích nhạc thị trường nên không biết thôi. Đó là lỗi của chúng ta, lỗi của bọn tôi.

Tại sao một đất nước có một nền âm nhạc tử tế, các nhạc sĩ tử tế, tác phẩm tử tế... mà không đưa đến được cho các bạn trẻ? Để đến ngày hôm nay các bạn ấy ngạc nhiên "Tại sao lại có ông này trên đời?".

Không có cái gì từ trên trời rơi xuống, đều phải có quá trình tích lũy. Những cái ở đây không phải chúng tôi làm ra, mà chỉ đang khôi phục lại để cho các bạn trẻ biết thôi.

Ông có cảm xúc gì khi "gặp lại" những nhạc sĩ hàng đầu của Việt Nam, những kí ức huy hoàng một thời qua các tác phẩm của họ?

- Trong các nhạc sĩ đàn anh đáng kính trọng, có một người tôi đặc biệt kính trọng là nhạc sĩ Văn Chung . Đối với bọn tôi, ông là bậc tiền bối. Từ những năm 1935, khi Việt Nam chưa có âm nhạc như chúng ta đang biết, thậm chí chưa có tân nhạc, chỉ có các hình thức dân ca, ông đã viết "Tiếng sáo chăn trâu”. Đây có lẽ là bài nhạc đầu tiên của nền âm nhạc Việt Nam. Chúng ta đừng bao giờ quên điều đó. Trong khi chưa có ai viết được cái gì thực sự, thì ông đã viết được một tác phẩm trọn vẹn như vậy. Liên tục những năm sau, ông đều cho ra các tác phẩm riêng.

Cố nhạc sĩ Văn Chung - thuộc thế hệ tiên phong của nền tân nhạc VN - là bậc đàn anh mà nhạc sĩ Dương Thụ đặc biệt kính trọng

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng có niềm mơ ước tương tự. Ông thành lập nhóm Myosotis (Hoa lưu ly), nghĩ rằng muốn phát triển âm nhạc thì phải dạy thanh niên học nhạc. Ông mở xưởng, mở tiệm bán đàn, xuất bản những ấn bản phẩm đầu tiên của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương như "Đêm đông", "Bướm hoa".

Các nhóm nhạc này hát ở các sàn nhảy thời đó, và chỉ hát nhạc Việt. Họ đóng vai trò nhạc sĩ, người hát, nhà xuất bản, sản xuất nhạc cụ, đồng thời là nhạc viện luôn. Đó là một thế hệ khai sinh ra nền tân nhạc Việt Nam và bác Văn Chung có một vai trò quan trọng. Người ta không hiểu được điều ấy. Vị trí của bác Văn Chung rất lớn, nhưng giới trẻ không biết ông là ai.

Tôi rất thích cách thức và chủ trương sáng tác của ông. Đó là làm thế nào để viết nhạc như Tây, nhưng phải sử dụng chất liệu Việt Nam. Ý nghĩ đấy hoàn toàn đúng. Nghĩ ra được đã hay, làm được còn hay hơn. Bài "Quê tôi giải phóng" hay "Tính hẹn cùng tình" về riff (câu giai điệu – PV), về tiết tấu.. rất chèo, nghe hóm hỉnh mà duyên dáng, có cái linh hoạt của chèo cổ. Hay lắm! Mà đó là nhạc chứ không phải bài hát. Không phải hát thơ kiểu Trịnh Công Sơn.

Ông Văn Chung, hay Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận là những người có tài năng, có tình yêu rất lớn với dân tộc, đã vạch ra một con đường cho âm nhạc Việt Nam, sử dụng thành công chất liệu dân tộc vào trong các tác phẩm của mình. Về riff  họ học từ chèo, ca trù, chầu văn, thang 5 âm Bắc Bộ... những quãng rất đặc thù. Họ đã đưa vào rất hay.

Một người như thế phải được biết đến, phải được cảm xúc lại. Ông ấy đã đánh thức bọn tôi, thì cũng có thể đánh thức các thế hệ khác chứ?! Nó sẽ đánh thức để thế hệ trẻ biết rằng chúng ta đã tiềm ẩn những cảm xúc, những giá trị như thế từ rất lâu.

"Tiếng sáo quê hương" của nhạc sĩ Văn Chung sẽ được trình diễn tại buổi hòa nhạc Điều còn mãi 2012. Tác phẩm trữ tình viết cho flute với phần đệm piano, nhưng tôi muốn vinh danh ông nên đề nghị nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển soạn phần piano cho dàn nhạc giao hưởng, vì thời của ông điều kiện hơi khó khăn.

"Không phải tham vọng, mà tôi yêu âm nhạc Việt Nam"

Những bản thu âm ngày xưa đi đâu cả rồi, thưa ông?

- Vẫn còn. Đài phát thanh họ giữ. Rất nhiều cái phải vào thư viện đài phát thanh để mò mẫm. Rồi tìm bản nhạc, đọc nốt nhạc, xướng âm. Vì tôi là nhạc sĩ nên tôi hình dung được âm nhạc trong đầu.  Tôi thuộc hết rồi, từ thuở còn nghe radio kháng chiến. Thế mới biết được giá trị của nó chứ!

Mọi người cứ thắc mắc tại sao tôi lại biết cái đó? Một câu trả lời giản dị thôi: khi chúng ta yêu cái gì, chúng ta sẽ tìm hiểu về nó. Khi đã tìm hiểu thì sẽ biết, có điều biết nhiều hay ít thôi. Làm về nó là một quá trình, chứ không phải tự nhiên mà có.

Ở nhà tôi có hàng nghìn tác phẩm từ xưa đến nay. Đây là công việc của mình. Tôi chứa nó trong cái kho này này (ông gõ gõ những ngón tay mình vào trán). Những tác phẩm đó ở trong đầu tôi, trong tâm hồn tôi (ông lại chỉ tay vào lồng ngực). Tôi không giống các nhạc sĩ khác. Không phải tham vọng, mà tôi yêu âm nhạc Việt Nam.

”Điều còn mãi” nhắc lại “Nửa thế kỉ bài hát Việt Nam” (một chương trình âm nhạc từ năm 1994 nhạc sĩ thực hiện cùng Hội nhạc sĩ VN – PV), nhưng nhắc lại ở mức độ cao hơn, là nửa thế kỉ âm nhạc Việt.  Và nó không phải là 3 đêm diễn ở Nhà hát lớn, mà là một cuộc trường kì, năm nào cũng có. Đó là lịch sử được tái hiện một cách trân trọng nhất, tử tế nhất, trong điều kiện có thể.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Hòa nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 14h00 ngày 2/9/2012. “Điều còn mãi” được tài trợ bởi Ngân hàng thương mại thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank (Nhà tài trợ Vàng), tập đoàn Vingroup (Nhà tài trợ Bạc), Tổng Công ty  cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (Nhà tài trợ Đồng) và công ty Cổ phần Truyền thông VMG (Đồng tài trợ).


  • Hồ Hương Giang