Lịch sử thế giới liệu có khác khi Đức không tấn công Liên Xô? (Ảnh tư liệu) |
Một trong những quyết định mang tính bước ngoặt nhất của Chiến tranh Thế giới lần 2 nói riêng, cũng như của lịch sử toàn thế giới nói chung, đó là quyết định tấn công lãnh thổ Liên Xô của Aldolf Hitler vào ngày 22 tháng 6 năm 1941. Đây cũng được coi là sai lầm lớn nhất của trùm phát xít.
Chiến dịch Barbarossa đã xoay chuyển hoàn toàn cục diện thế trận tại châu Âu, khi phát xít Đức, từ việc chỉ phải đối đầu trên một mặt trận duy nhất với một nước Anh đang suy yếu và một nước Mỹ trung lập, phải dàn trải lực lượng trên cả 2 mặt trận cùng một lúc. Hậu quả là mặt trận phía Đông đã trở thành mồ chôn của gần 3/4 binh lính Đức, chiếm tới 2/3 tổng thiệt hại quân sự của nước này sau cuộc Chiến tranh Thế giới.
Với những tham vọng của Hitler và Đế chế thứ Ba, nước Đức sẽ không bao giờ muốn rơi vào thế bị động. Thực tế thì việc cả phát xít Đức và Liên Xô đều bị cuốn vào vòng chiến với nhau chỉ là vấn đề thời gian, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Hitler không phát động một cuộc chiến với Liên Xô từ quá sớm?
Khả năng đầu tiên là Đức sẽ dồn toàn lực để đánh chiếm Anh vào năm 1941, hòng dứt điểm mặt trận phía Tây và giúp nước này rảnh tay hơn cho cuộc chiến sau này ở mặt trận phía Đông. Chiến dịch Sư tử biển, cuộc tấn công bằng 2 hướng thủy bộ vào miền Nam nước Anh, vốn dự định sẽ diễn ra vào năm 1940, song đã bị hoãn trong vòng 1 năm. Lý do là vì lực lượng Kreigsmarine – Hải quân Đức Quốc xã – vẫn bị Hải quân Hoàng gia Anh áp đảo về số lượng, kể cả khi đã được bổ sung loại chiến hạm Bismarck đời mới.
Nước Anh, nhờ đó, vẫn có thêm 1 năm để củng cố lực lượng Không quân Hoàng gia và tái thiết các sư đoàn đã từng tham chiến tại Pháp của mình. Bên cạnh đó, Anh cũng nhận được các khoản viện trợ Lend – Lease từ phía Mỹ, quốc gia mà đến năm 1941 đã gần như trở thành một thế lực hùng mạnh ở Đại Tây Dương. Thậm chí bất chấp những ưu thế của Nhật Bản trên Thái Bình Dương, Mỹ vẫn có thể tập trung mọi nguồn lực của mình để giúp Anh duy trì việc tham chiến mà không gặp tổn thất về lãnh thổ.
Chiến dịch Barbarossa là sai lầm lớn nhất của phát xít Đức (Ảnh tư liệu) |
Khả năng khác cũng có thể xảy ra là Hitler sẽ lựa chọn việc “Nam tiến”. Với việc đã gần như kiểm soát toàn bộ Tây Âu vào năm 1940, đồng thời khuất phục hoặc đồng minh hóa một phần Đông Âu, Hitler có toàn quyền được lựa chọn. Ông ta có thể làm theo bản năng và ý thức hệ của mình để chống lại Liên Xô, với những nguồn tài nguyên dồi dào và diện tích rộng mở cho những cái đầu có tư tưởng thực dân của phát xít Đức. Đập tan Liên Xô cũng sẽ là hồi cáo chung cho những gì Hitler coi là cuộc thách đấu không thể tránh khỏi với cái nôi của chủ nghĩa cộng sản.
Hoặc, Hitler cũng có thể chuyển hướng xuống Địa Trung Hải hoặc khu vực Trung Đông, theo ý nguyện của Đô đốc Erich Raeder, chỉ huy lực lượng Hải quân Đức. Trên thực tế ở Thế chiến thứ 2, chiến dịch Bắc Phi của tướng Erwin Rommel chỉ đóng vai kép phụ cho sự kiện chính tại Liên Xô. Nhưng trong kịch bản thay thế lần này, Bắc Phi sẽ trở thành mặt trận chính.
Một khả năng nữa là việc chính quyền Phát xít Tây Ban Nha của nhà độc tài Francisco Franco phải từ bỏ vị thế trung lập, và cho phép quân đội Đức đi qua lãnh thổ Tây Ban Nha để chiếm đóng đảo Gilbratar, nhằm phong tỏa cửa ngõ duy nhất của Anh vào vùng Địa Trung Hải (nếu Franco chống đối, Đức cũng có thể chiếm luôn cả Tây Ban Nha).
Một lựa chọn khác là củng cố Binh đoàn châu Phi của tướng Rommel, tiến quân qua Libya và Ai Cập để chiếm kênh đào Suez (điều mà Rommel suýt nữa đã làm được vào tháng 7.1942). Từ đó, quân Đức có thể tiến vào các mỏ dầu Trung Đông, hoặc có thể biến nó thành bàn đạp tấn công Liên Xô nhờ đi xuyên qua vùng Caucuses, tạo thành một thế trận gọng kìm dồn ép Liên Xô từ cả 2 hướng Tây và Nam. Trong khi đó, thép và các tài nguyên khác của Đức sẽ được chuyển đổi từ chế tạo xe tăng và các loại vũ khí trên bộ khác sang việc chế tạo một số lượng lớn tàu ngầm chữ U, để có thể bóp nghẹt toàn bộ huyết mạch hàng hải của nước Anh.
Nếu kịch bản thay thế xảy ra, Binh đoàn châu Phi của tướng Erwin Rommel lúc này sẽ đóng vai trò chính (Ảnh tư liệu) |
Chiến lược thay thế này của Đức liệu có hiệu quả hay không? Lựa chọn Địa Trung Hải của Đức sẽ rất khác so với xâm lược Liên Xô. Thay vì chỉ một mặt trận duy nhất với hơn 3 triệu bộ binh của liên minh phe Trục, sẽ là một cuộc đọ sức tổng lực của các loại tàu chiến và máy bay trên biển Địa Trung Hải, được trợ lực từ xa bởi một lực lượng nhỏ bộ binh ở khu vực Trung Đông.
Với việc Liên Xô vẫn giữ vị thế trung lập, Đức sẽ có thể dành con át chủ bài của mình cho mặt trận Địa Trung Hải - lực lượng không quân. Nên nhớ, chỉ một phần lực lượng chiến đấu cơ của Đức cũng đã đủ khiến Không quân Hoàng gia Anh khốn khổ trong giai đoạn 1941-1942. Nếu được dồn toàn lực, chắc chắn không quân Đức sẽ có sức mạnh hủy diệt gấp nhiều lần.
Dù vậy, việc hậu cần cho một chiến dịch ở Trung Đông là một vấn đề nan giải, do khoảng cách địa lý quá lớn và đồng minh châu Âu của người Đức - phát xít Ý, lại chưa đủ tiềm lực cho công tác vận chuyển nhiên liệu. Bên cạnh đó, dù Đức có một lực lượng không quân và hải quân hoạt động hiệu quả, nhưng sức mạnh chủ yếu của nước này ở lục địa châu Âu vẫn là lực lượng bộ binh.
Giả sử Mỹ chính thức tham chiến vào năm 1941, thì tâm điểm cho màn kịch tại châu Âu năm 1942 sẽ là không quân, hải quân Đức – Ý, được trợ lực bởi Binh đoàn châu Phi, đối đầu với bộ binh, không quân và hải quân Anh – Mỹ đang cố phòng thủ và phản công ở vùng Cận Đông.
Thay vì bộ binh, không quân và hải quân Đức sẽ là lực lượng chủ lực trên mặt trận Địa Trung Hải (Ảnh tư liệu) |
Đến lúc này một câu hỏi khác lại được đặt ra: Sẽ ra sao nếu Hitler không hủy bỏ chiến dịch Barbarossa, mà chỉ tạm hoãn nó đến mùa hè năm 1942? Giả sử nếu phe Trục chiếm đóng thành công khu vực Trung Đông, Liên Xô sẽ phải đối đầu với một lực lượng quân viễn chinh Đức – Ý từ Trung Đông tiến lên phía Bắc theo hướng từ Caucasus (cũng có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia vào làn sóng đang lên này của phe Trục). Một năm cũng là vừa đủ để Phát xít Đức cướp bóc và vơ vét những nguồn tài nguyên ở những vùng đã chiếm đóng tại Tây Âu.
Mặt khác, Hồng quân Liên Xô cho đến tháng 6/1941 đang trở nên mất cân đối và vẫn phải loay hoay trong việc cải tổ. Vì thế, khoảng thời gian 1 năm cũng là vừa đủ để Liên Xô có thể tái thiết quân đội cũng như trang bị thêm các loại vũ khí trọng yếu như xe tăng T- 34 và bệ phóng tên lửa Katuysha.
Lùi chiến dịch Barbarossa đến 1 năm có trở thành "món quà" cho Liên Xô? (Ảnh tư liệu) |
Việc trì hoãn chiến dịch Barbarossa cho đến năm 1942, trong bối cảnh Anh vẫn chưa đầu hàng, đồng nghĩa với việc Đức sẽ phát động cuộc tấn công vào Liên Xô trong khi vẫn phải căng sức phòng thủ ở mặt trận phía Tây để đề phòng một cuộc phản công không thể tránh khỏi của liên quân Anh – Mỹ.
Suy cho cùng, các kỹ năng vận hành và chiến thuật vượt trội của người Đức, cũng như kinh nghiệm chiến đấu dày dặn hơn, sẽ giúp cho phe phát xít phần nào chiếm được ưu thế trong những ngày mở màn chiến dịch Barbarossa vào năm 1942. Dù vậy, khi những hạn chế mà Hồng Quân Liên Xô gặp phải trong năm 1941 đã được khắc phục, quyết định hoãn chiến dịch Barbarossa thêm 1 năm của Hitler không khác gì một món quà dành tặng cho Liên Xô.
Theo DanViet