Giá mỗi người bớt đi vài phút hoặc vài tiếng trong tuần để động tay vào những việc xung quanh mình, trồng một cái cây, khơi thông mạch nước; vứt rác đúng chỗ… chỉ thế thôi xã hôi đã tốt hơn nhiều lắm.

Khi tôi đi thực tế viết bài về biến đổi khí hậu và về những cộng đồng dễ bị tổn thương, tác động vì biến đổi khí hậu – một vấn đề khá lớn lao mang tính toàn cầu - ở Cà Mau. Điều đập vào mắt tôi không phải vấn đề nước biển dâng do khí hậu nóng lên, hay vỏ thềm lục địa hay đổi, hay luồng nước Biển Đông – Biển Tây đang thay nhau tác động những vựa lúa, vuông tôm của người dân ở đây. Hay ít nhất, những nguy cơ này đang xảy ra, nhưng chưa phải vấn đề khiến người dân NGAY LẬP TỨC phải bỏ nhà cửa hoa màu để đi lang bạt, mà chính là… rác.

Một khu làng nổi lềnh phềnh trên lềnh phềnh rác. Đến nỗi tôi có cảm giác không cần phải cao thủ khinh công như trong phim chưởng cũng có thể đi trên mặt nước ken đặc rác thải và túi nilon ấy. Cảnh những đứa trẻ vui đùa giữa đống xú uế ấy khiến tôi không khỏi cám cảnh. 

Người dân ở đây hầu hết sống cảnh nay đây mai đó, bám vào những mùa nước nổi. Dựng một nhà lán bên mép nước là có chỗ ra vào, lâu lâu khi xung quanh không còn tôm cá hoặc nước dâng cao cuốn mất nhà là lại đi tìm chỗ mới; nhưng có một nguyên nhân tưởng không ngờ và phổ biến hơn lại là: tìm chỗ khác sạch hơn.

Ai đã từng đến những khu ổ chuột ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, hay các thành phố lớn sẽ cảm nhận được điều này. Hẳn rằng, chúng ta đã quá quen với việc những gia đình có điều kiện không an tâm về chất lượng giáo dục, chất lượng thực phẩm, không khí hay dịch vụ… tìm cách ra nước ngoài sinh sống hoặc gửi con em ra nước ngoài học tập. Giờ đây, trước tình hình ô nhiễm ngày càng bất cập, có lẽ tới đây người ta lại có một lý do buộc phải "cao bay xa chạy".

{keywords}
Những đứa trẻ hồn nhiên trong khu ổ chuột lềnh phềnh rác. Ảnh: Hoàng Hường

Tôi đã chứng kiến những gia đình sống lay lắt bên bờ kênh mương ô nhiễm, xú uế - hệ lụy từ những hành động và ý thức của con người. Nếu những người dân ngụ cư Cà Mau có thể chống con thuyền gia đình từ nơi này sang nơi khác, thì những khu ổ chuột thành phố cứ phải ở yên chịu trận; Góp phần gây ra tình trạng đó, và không cách nào là phải chịu đựng. Chẳng có gì phải bàn cãi, từ những ví dụ đó, cho tới những thảm hoạ lớn hơn như cá chết ở miền trung, hạn hán ở miền tây...không ít thì nhiều đều do chính con người chúng ta gây ra.

Là một biên tập viên báo chí, tôi thường xuyên nhận được những bài viết đầy tâm tư. Những tầm nhìn lớn lao cao cả cho đất nước. Tôi cũng tiếp xúc nhiều với những bạn trẻ thực tâm muốn làm đất nước thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, phát triển hơn. Các bạn thường xuyên nói tới những vấn đề như thể chế chính trị, mô hình kinh tế hay vị thế quốc gia… Tôi trân trọng những tâm huyết này. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn mong chờ những tiếng nói, những hành động hay giải pháp nào đó dù nhỏ và thiết thực từ cộng đồng. Không phải chỉ mình tôi, dường như xã hội cũng đang trông chờ những điều ấy lắm.

Mới đây thôi, báo chí và mạng xã hội háo hức chia sẻ câu chuyện mấy bạn sinh viên biến đống rác “dọn 10 năm không sạch” thành vườn hoa; chuyện mấy người nước ngoài dọn mương nước bẩn ở Hà Nội; hay những nhà khoa học miệt vườn sinh ra trong thiên tai hoạn nạn để vừa tự cứu mình và cứu cộng đồng của mình ở Miền Tây. Nhìn những sinh viên Huế vớt bèo tây làm sạch sông Hương trước khai mạc Festival, tôi thấy xác đáng hơn những lý thuyết về đạo đức xã hội, phát triển kinh tế hay chiêu trò PR. Tôi không phủ nhận những lý thuyết sách vở, nhưng hình như hành động mới là cái xã hội chúng ta đang cần và thiếu.

Tôi nhớ mình đã phải gọi nhiều cuộc điện thoại để có được cuộc hẹn với một bạn trẻ Sài Gòn. Vừa gặp bạn đã làm tôi hơi choáng: “Em nể chị lắm chứ em không thích truyền thông”. Lê Minh Vương  Nhóm Thế Hệ Ưu Tú với các sáng kiến về nông nghiệp thông minh và năng lượng bền vững, đang tiến hành các dự án tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận.

“Em không thích truyền thông” “không thích nói nhiều làm ít”… vì Vương và nhóm bạn đang say sưa với dự án “chai Mặt Trời” mang ánh sáng đến các khu ổ chuột của TP Hồ Chí Minh. Một cái chai đơn giản, lắp đặt trên nóc nhà, phù hợp với điều kiện sống và khả năng tài chính của cư dân nghèo đô thị khiến Vương thấy cần đầu tư thời gian hơn là xuất hiện trên truyền thông hay làm những việc “không thiết thực” khác.

Tôi chợt nghĩ đến những bờ biển ngập rác, những dòng sông đặc sệt. Những góc phố ngập ngụa và cây cối ủ rũ. Chợt thầm ước, giá như các thành phố bớt đi những khẩu hiệu bảng biểu, giá như rất nhiều người bớt đi vài phút hoặc vài tiếng trong tuần để động tay vào những việc xung quanh mình, trồng một cái cây, khơi thông mạch nước; vứt rác đúng chỗ… chỉ thế thôi xã hôi đã tốt hơn nhiều lắm.

Chúng ta có nhiều "tháo chạy" lắm rồi, chả nhẽ chỉ biết có "tháo chạy".

Xin hãy nhìn xuống chân mình, nơi ấy đầy rác, và hãy làm điều gì đó - dù nhỏ.

Hoàng Hường