Tăng trưởng 2 con số
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2021 mặc dù vận tải đường sắt chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng hàng liên vận quốc tế, trong đó có hàng đi châu Âu tăng trưởng 2 con số.
Dự kiến năm 2021, hàng liên vận quốc tế xuất qua cả hai ga cửa khẩu Lào Cai và Đồng Đăng (Lạng Sơn) đạt hơn 508.000 tấn, tăng khoảng 32% so cùng kỳ 2020.
Chiều hàng nhập liên vận quốc tế dự kiến đạt hơn 635.000 tấn, tăng hơn 38% so với cùng kỳ 2020.
Chuyển tàu đường sắt Việt Nam vận chuyển hàng hóa qua Trung Quốc đi các nước châu Âu |
Ngoài ra, tập trung vào việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến, tăng tỷ trọng vận tải hóa bằng container và đẩy mạnh vận chuyển hàng liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á.
Trong năm 2021, Tổng công ty đã đưa vào khai thác sản phẩm dịch vụ mới là đoàn tàu container liên vận quốc tế chạy thẳng châu Âu.
Đại diện Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) – đơn vị chuyên kinh doanh vận chuyển hàng đi châu Âu bằng đường sắt cho hay, công ty đã kết hợp với các hãng tàu biển lớn để tổ chức khai thác nguồn hàng xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2021 sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế của Ratraco liên tục tăng, dự kiến đạt 946.000 tấn, tăng 300% so với cùng kỳ 2020.
Trong đó lượng container xuất nhập khẩu 11 tháng thực hiện được 11.247 container, tăng 137% so với cùng kỳ 2020. Các nguồn hàng chính xuất nhập khẩu là hàng tiêu dùng, quặng, điện tử, gỗ công nghiệp...
Đại diện Công ty CP Đường sắt Hà Nội thông tin thêm, bằng nhiều giải pháp thúc đẩy khai thác hàng liên vận, sản lượng vận chuyển hàng liên vận quốc tế năm 2021 của đơn vị vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ 2020, dự kiến thực hiện được hơn 858.000 tấn, tăng trưởng 9%. Trong đó, hàng nhập dự kiến đạt hơn 495.000 tấn, tăng trưởng 18%.
Cải tạo thành đường đôi khổ 1.435mm
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, việc tập trung vận chuyển hàng hóa, hàng chuyên tuyến, hàng container liên vận sang biên giới là chủ trương đã được Tổng công ty đưa ra theo định hướng thị trường từ năm 2019.
Đến nay sản lượng vận chuyển qua biên giới tăng trưởng nhanh, chỉ riêng trong hai tháng 10 và tháng 11 vừa qua, vận tải container tăng 100% so với năm 2020.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt, sản lượng vận tải liên vận qua cửa khẩu bằng đường sắt tăng trưởng nhanh, nhưng không lớn so với nhu cầu thông qua.
Lý do, được ông Minh chỉ rõ là do hiện năng lực hạ tầng đường sắt rất thấp, không tương thích với hạ tầng của các nước. Trong khi hạ tầng đường sắt hiện là khổ 1.000 mm thì hạ tầng của Trung Quốc là khổ 1.435 mm, do vậy khi vận chuyển đến khổ đường khổ 1.435mm, tàu vận chuyển hàng hoá của đường sắt Việt Nam phải dừng sang tải nên bị hạn chế khả năng thông qua.
Vận tải hàng hóa container bằng đường sắt được xem là phương thức vận tải hiệu quả hơn đường bộ |
Hơn nữa, trong khi đường sắt của Việt Nam là đường đơn nên năng lực thông qua giữa đường đơn và đường đôi chênh lệch gấp 20 đến 30 lần, vận tải hàng hóa bằng đường sắt của Việt Nam không phát huy được năng lực vận chuyển.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt cho biết, Quy hoạch đường sắt vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã nói rõ, đường sắt hiện hữu cần cải tạo nâng cấp, trong đó tuyến Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai/ Lạng Sơn sẽ cải tạo thành đường đôi khổ 1.435mm. Đây được xem là cơ sở để giải quyết bài toán tăng năng lực thông qua khi hạ tầng đường sắt của Việt Nam tương thích với Trung Quốc và các nước châu Âu.
Ông Minh cho rằng, việc quy hoạch sớm được triển khai sẽ góp phần quan trọng để tăng cường lưu thông hàng hoá giữa Việt Nam và các nước, nhất là khi trong tương lai không xa Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá lớn ở khu vực phía Bắc của cả nước.
Hiện nay, cảng Lạch Huyện mới chỉ có 2 bến khởi động, nhưng theo lộ trình phát triển cảng biển lớn nhất Hải Phòng sẽ có hơn 20 bến. Do vậy, để đáp ứng được năng lực thông qua với khả năng vận chuyển lớn giữa cảng biển lớn nhất Hải Phòng với các tỉnh phía Bắc sang Trung Quốc đi các nước châu Âu thì cần phương thức vận tải đường sắt với năng lực khoảng 200 đôi tàu ngày đêm.
“Khi vận tải đường sắt thực sự phát huy được khả năng vận chuyển hàng hoá thì giá thành vận chuyển sẽ giảm đáng kể so với vận chuyển bằng đường bộ; góp phần giảm tải cho đường bộ, giảm ùn tắc, ách tắc; giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường”, ông Minh chia sẻ.
Hơn 5.000 container tắc ở biên giới và 50 cuộc hội đàm với phía Trung Quốc
Chiều 26/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Vũ Điệp