Còn nhiều cơ hội phát triển tín dụng tiêu dùng

Theo chuyên gia tài chính, thị trường tín dụng ở các quốc gia phát triển thường chiếm 40% tổng vốn tín dụng trong nền kinh tế quốc dân. Còn ở Việt Nam, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cung cấp, dư nợ cho vay tiêu dùng  mới chiếm hơn 20% tổng vốn tín dụng trong nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra, số liệu của Ngân hàng Nhà nước còn cho thấy quy mô cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trong 10 năm trở lại đây. Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng bình quân là 33,7% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

Ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam trao đổi với phóng viên tại một hội thảo ngân hàng

Ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam (một nền tảng ngân hàng đám mây) dự đoán, ở khía cạnh quy mô, Việt Nam có khả năng “room” tín dụng tăng trưởng 2,5 lần trong 4 năm tới. Theo ông Minh, hiện tại lĩnh vực tín dụng do các ngân hàng thương mại và công ty tài chính tiêu dùng “nắm giữ”, nhưng có sự khác nhau nhất định giữa hai tổ chức tín dụng. Phân khúc khách hàng tín dụng tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại cao cấp hơn công ty tài chính tiêu dùng, do đặc thù hoạt động thiên về tín dụng thế chấp hơn tín chấp. Vì vậy, phân khúc khách hàng bình dân là “sân chơi” cho các công ty tài chính tiêu dùng. 

Ông Sandeep Deobhakta - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng bảo hiểm Manulife China Bank còn cho rằng: “Để chiến thắng trong “cuộc đua” tài chính tiêu dùng, công nghệ số sẽ là yếu tố then chốt. Tự động hóa và dịch vụ cá nhân số có những lợi ích đáng kể trong “cuộc đua” ngân hàng bán lẻ”.

Chuyển đổi số để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, có 94% ngân hàng trong nước đang tiến hành chuyển đổi số; trong đó có khoảng 59% bắt đầu triển khai, 42% tổ chức tín dụng coi ngân hàng số là chiến lược kinh doanh.

Việc các tổ chức tín dụng đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ là bước tiến quan trọng để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Điều này có thể thấy qua việc phê duyệt tín dụng. Phê duyệt tín dụng truyền thống cần chứng minh thu nhập là sao kê bảng lương. Phương thức này phù hợp cho người làm việc ở các tổ chức, doanh nghiệp, nhưng lại khó khăn với những đối tượng lao động tự do, không chứng minh được thu nhập. Còn tín dụng số cho phép được dùng dữ liệu của bên thứ ba để chứng minh khả năng trả nợ của khách hàng. Theo các chuyên gia, đây đang là “đòn bẩy” cho tài chính tiêu dùng số phát triển.

Định vị tín dụng tài chính tiêu dùng số cần công nghệ làm nhanh, dễ, rẻ và đưa ra thị trường những sản phẩm riêng biệt, có những tính năng thay đổi liên tục, phù hợp với nhu cầu của thị trường nói chung và người tiêu dùng nói riêng. 

“Mambu đưa ra giải pháp tổng thể cho khách hàng dựa trên kiến trúc ngân hàng kết hợp (composable banking) và Mambu là một phần trong giải pháp đó. Nếu hành trình của khách hàng có 5 bước thì Mambu thực hiện 1 bước, kết hợp với 4 đối tác công nghệ tạo ra dữ liệu mới nâng cao và từ đó cải thiện trải nghiệm của khách hàng. Tất cả đều được thực hiện trên môi trường số nhanh, sáng tạo, chi phí rẻ hơn thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API)”, ông Minh cho biết.

Trong năm 2023, Mambu dự kiến phối hợp với các đơn vị khác tạo ra 2 dòng sản phẩm. Thứ nhất là cho vay tiêu dùng số (digital consumer lending) với các sản phẩm như: tín dụng tuần hoàn, mua trước trả sau, tín dụng số trả góp… Thứ hai là giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp siêu nhỏ. 

“Mambu phối hợp với các fintech khác tạo ra môi trường số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ giao dịch… Đồng thời trên cơ sở dữ liệu sẵn có là quản lý rủi ro các khoản vay của doanh nghiệp”, ông Phạm Quang Minh cho hay.

Dư địa thị trường tài chính tiêu dùng lớn với nhu cầu khổng lồ đang tạo động lực đẩy nhanh, mạnh quá trình số hoá. Tài chính tiêu dùng số phát triển sẽ là “chìa khóa” giúp ngành tài chính tiêu dùng đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng trong tương lai.

Doãn Phong