UKVFTA là hiệp định tiếp nối Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sau khi Anh với sự kiện Brexit tách ra khỏi EU. Vì vậy, Hiệp định UKVFTA có tới đến 99% các nội dung giống như EVFTA nên cũng quen thuộc hơn với cả doanh nghiệp lẫn Chính phủ.
Theo khảo sát của VCCI, 18% doanh nghiệp cho biết đã tìm hiểu và biết được những cam kết của UKVFTA có liên quan đến hoạt động kinh doanh và có lợi thế đi trước trong khu vực châu Á. Ngoài ra, với doanh nghiệp trong kinh doanh với Anh cũng có một thuận tiện là phía đối tác Anh kinh doanh khá bài bản, chuyên nghiệp và chủ yếu là sử dụng tiếng Anh.
Tuy nhiên, kể từ khi Anh tách ra khỏi EU và thiết lập những cơ chế mới nên doanh nghiệp không phải lúc nào cũng nhận diện được đâu là những khác biệt để có thể tiếp tục hợp tác với thị trường Anh thay vì kinh doanh với thị trường Anh trong EU như trước đây.
Dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh trong UKVFTA được đánh giá còn rất lớn bởi hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trong nhu cầu nhập khẩu mỗi năm lên tới hơn 600 tỷ USD của thị trường Anh.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân khiến thị phần hàng hóa của Việt Nam chưa chiếm tỷ trọng lớn tại thị trường Anh là do tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Anh cao, thường xuyên cập nhật; tư duy đối với môi trường, đối với lao động có sự khác biệt với các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm thích ứng, cũng như cần có các biện pháp quyết liệt thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành động của doanh nghiệp để mạnh dạn hơn trong đáp ứng tiêu chuẩn, gia tăng xuất khẩu sang thị trường Anh.
Mới đây, tại Tọa đàm thích ứng tiêu chuẩn của thị trường Anh, gia tăng xuất khẩu theo UKVFTA, bà Tôn Nữ Thục Uyên - Phó Giám đốc, Văn phòng TBT Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Anh hiện nay đã rời khỏi EU và trong thời gian tới Anh cũng sẽ ban hành rất nhiều những biện pháp, quy định mới về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hàng hóa để áp dụng tại Anh. Do vậy doanh nghiệp cần nắm bắt các quy định UKVFTA cũng như các tiêu chuẩn mới của các tổ chức đánh giá sự phù hợp, tức là các phòng thử nghiệm và chứng nhận của EU trước đây.
“Một trong những nguyên nhân được cho là do nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng xuất khẩu sang Anh vì lo ngại có nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao. Khắc phục hạn chế này, cơ quan chức năng cần có có những biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi, đáp ứng tiêu chuẩn và mạnh dạn thâm nhập vào thị trường này" - bà Tôn Nữ Thục Uyên nói.
Theo bà Tôn Nữ Thục Uyên, doanh nghiệp cần phân biệt rõ đâu những quy định của EU và đâu là quy định riêng của Anh. Ngoài ra, Anh nỗ lực xây dựng và ban hành những quy định mới tránh chi phí thử nghiệm lại hoặc chứng nhận lại cho doanh nghiệp.
Trước năm 2021 Anh là thành viên của EU và các quy định của Anh liên quan đến TBT bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tức là những biện pháp bắt buộc áp dụng và thủ tục đánh giá sự phù hợp, tức là những quy định liên quan đến thử nghiệm, chứng nhận với sản phẩm, hàng hóa sẽ hài hòa theo quy định của EU.
Tuy nhiên sau năm 2021, Anh rời khỏi EU sẽ có những quy định mới của Anh sẽ được ban hành liên quan đến và cũng sẽ có những quy định mới của Anh ban hành liên quan đến TBT cho sản phẩm hàng hóa.
Mặc dù rời khỏi EU nhưng Anh vẫn là một trong những thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sẽ phải thực thi cam kết của Hiệp định TBT của WTO bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các thủ tục đánh giá sự phù hợp sẽ phải dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
Quang Ninh, Nguyễn Doanh, Minh Hưng