Những ngày cuối tháng 10, Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” của Hà Nội đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. 

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA. (Ảnh: Trọng Đạt)

Để có thêm góc nhìn về bài toán phát triển các đô thị thông minh tại Việt Nam nói chung và câu chuyện giải quyết ùn tắc giao thông khu vực nội đô của những siêu đô thị như Hà Nội, báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, thành viên nhóm chuyên gia giúp việc cho Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.

Từ góc độ của một chuyên gia công nghệ, ông bình luận thế nào về Đề án thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội?

Tôi chưa được tiếp cận Đề án mà chỉ biết việc này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nên không có đủ cơ sở đề bình luận sâu về đề án này. Tuy vậy, qua các thông tin, tôi có thể có một số nhận xét:

Dù Đề án thế nào cũng cần đặt trong tổng thể phát triển hệ thống giao thông thông minh của Hà Nội. Các giải pháp giao thông thông minh phải là sự kết hợp một cách hiệu quả của các giải pháp công trình, giải pháp công nghệ và giải pháp quản lý. Các sáng kiến ứng dụng công nghệ đơn lẻ thường khó phát huy tác dụng và dễ thất bại. 

Mặt khác, việc hạn chế giao thông đi vào một khu vực cụ thể đồng nghĩa với việc chủ ý hạn chế các hoạt động kinh tế xã hội của khu vực đó. Như vậy, khi so sánh lợi ích/chi phí của Đề án cần tính đến các chi phí liên quan sự suy giảm các hoạt động kinh tế xã hội, chứ không chỉ chi phí cho lắp đặt, triển khai và vận hành các hệ thống công nghệ.

Vậy để giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô với những siêu đô thị như Hà Nội, các nước khác trên thế giới đã giải quyết bằng cách nào, thưa ông? 

Tôi cho rằng, dù cách nào thì trước hết cần phát triển giao thông công cộng, sao cho hình thức giao thông này chiếm vai trò chủ đạo trong vận chuyển hành khách và hàng hóa. Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phát triển hệ thống giao thông công cộng thông minh, trong đó tất cả các phương tiện giao thông công cộng được kết nối với nhau, kết nối với nhà ga, bến đỗ và với hành khách theo thời gian thực. 

Công nghệ số hiện đã cho phép triển khai các hệ thống như vậy. Khi mọi thứ được kết nối hiệu quả với nhau, giao thông công cộng sẽ tiện lợi hơn. Lúc này, có thể áp dụng bổ sung các biện pháp tăng chi phí sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, chẳng hạn như thu phí vào nội đô. Cách làm như vậy một mặt làm giảm ách tắc giao thông, đồng thời ít ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội ở các khu vực bị hạn chế.

Thực tế, hệ thống giao thông công cộng của các nước đều dựa trên lịch trình chạy xe cố định, hành khách có thể biết được chính xác mấy giờ, mấy phút, trong ngày thì chuyến xe mình cần sẽ đến bến và qua đó xác định lịch trình di chuyển của mình. Trong tình hình giao thông Hà Nội hiện nay, điều này là khó khả thi. Tuy nhiên, nếu tất cả các phương tiện được kết nối và cung cấp vị trí của mình theo thời gian thực thì hệ thống có thể điều hành xe xuất bến hiệu quả hơn, đồng thời cung cấp cho hành khách thông tin về thời gian dự báo cho chuyến xe sắp tới và điều đó có thể cũng là đủ với đa số mọi người

Về hạ tầng giao thông, có thể áp dụng các công nghệ số cùng với các giải pháp công trình và giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng hiện có. Đà Nẵng hiện đang thí điểm sử dụng đèn tín hiệu giao thông thông minh để điều chỉnh thời gian theo tình hình giao thông thực tế. Hà nội cũng đang điều chỉnh tổ chức giao thông tại các điểm ách tắc như đường Nguyễn Trãi, nút giao Ngã Tư Sở... Các nỗ lực nhỏ, ít tốn kém như vậy cần được tiếp tục triển khai.

Hà Nội định hướng đến năm 2030 trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại”. Để hiện thực hóa mục tiêu này theo ông Thành phố cần lưu ý những gì?

Trước hết, cần khẳng định quan điểm của chúng tôi về đô thị thông minh chính là đô thị chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Hà Nội cũng như hầu hết các đô thị ở Việt Nam đều là những thành phố đang phát triển nhanh, thật khó để tìm được một hình mẫu quốc tế để “bắt chước”. Đô thị thông minh không phải là một bản thiết kế để có thể sao chép mà nên được coi là một phương thức hiệu quả để phát triển và vận hành đô thị. Nguyên tắc chung là các công trình xây mới phải “thông minh” ngay từ đầu, các đề án, dự án nâng cấp cải tạo phải bao gồm nội dung thông minh hóa.

Theo chuyên gia Nguyễn Nhật Quang, đô thị thông minh là đô thị chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. (Ảnh minh họa: Trọng Đạt)

Trong một đô thị đang phát triển, việc “cấy gene thông minh” bằng cách xây dựng và ban hành bộ 3 quy hoạch, quy chế và quy chuẩn phù hợp để đảm bảo các thành phần thông minh trong đô thị “nói chuyện” được với nhau và tạo thành một tổng thể thông minh. 

Nói cách khác, quyết tâm xây dựng thành phố thông minh phải được thể hiện trong bản quy hoạch thành phố, trong tất cả các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị. Sẽ không hợp lý nếu quy hoạch và xây dựng một thành phố không thông minh, rồi gọi các chuyên gia công nghệ số đến để làm cho nó trở nên thông minh

Nhìn từ góc độ công nghệ, việc triển khai các sáng kiến ứng dụng công nghệ số rời rạc có thể mang lại hiệu quả nhất định trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu các ứng dụng này không kết nối với nhau, không chia sẻ và dùng chung dữ liệu thì chắc chắn hiệu quả mang lại là không lớn và không bền vững. 

Khác với các đô thị thông thường, bên cạnh các hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng và các hạ tầng kinh tế xã hội như hạ tầng y tế, giáo dục, thương mại, công - nông nghiệp... đô thị thông minh cần có một hạ tầng thông tin thống nhất, dùng chung mạnh mẽ và an toàn. Việc thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội được tiến hành dựa trên nền tảng hạ tầng thông tin thống nhất và dùng chung đó

Điểm cuối cùng cần nói đến là việc xây dựng đô thị thông minh nói chung và giao thông thông minh nói riêng cần đặt trong tổng thể của câu chuyện chuyển đổi số, trong việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Nếu coi chuyển đổi số là một phương thức phát triển thì xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu đối với tất cả các đô thị, không chỉ là câu chuyện của Hà Nội hay của các siêu đô thị.

Xin cảm ơn ông!

Vân Anh (thực hiện)