Theo VITAS, việc dịch đang diễn biến nghiêm trọng tại các khu công nghiệp đang là mối lo lớn, ảnh hưởng tới sự tồn tại của các doanh nghiệp, việc làm, người lao động. Với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, mối lo này theo đánh giá của Chủ tịch Vitas là "đáng quan ngại".

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, một doanh nghiệp chỉ cần bị giãn cách, cách ly, ngừng làm việc từ 14 - 21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập.

Hiện các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm. Nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỉ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.

{keywords}
Ngành dệt may thâm dụng lao động nên việc tiêm vaccine là giải pháp số 1 để ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh (ảnh: Băng Dương)

Vì vậy, VITAS đã gửi công văn kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ doanh nghiệp dệt may mua, tiêm vaccine COVID-19.

Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch; ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vaccine tiêm cho người lao động (theo chủ trương xã hội hóa mà Chính phủ đề xuất) để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vaccine.

Đồng thời, VITAS kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vaccine về cho Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.

Có hơn 1,6 vạn lao động, ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch Công ty TNG (Thái Nguyên) cho hay, doanh nghiệp mong muốn và sẵn sàng ngân sách để mua vaccine tiêm cho người lao động, chỉ cần Chính phủ, các bộ, ngành có hỗ trợ về cơ chế, kết nối đơn vị cung ứng...

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên cũng bày tỏ mong muốn được Chính phủ hỗ trợ phương án mua vaccine qua hình thức xã hội hoá. Vị này phân tích, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm, bị dừng sản xuất ngày nào là trễ đơn hàng ngày đó, thiệt hại sẽ vô cùng lớn.

Bốn tháng đầu năm nay, ngành dệt may có nhiều tín hiệu khởi sắc so với cùng kỳ khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký, thực thi.

Chỉ số sản xuất dệt may tăng 7,8% so với cùng kỳ, sản xuất trang phục tăng 9,5%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11%. Xuất khẩu dệt và may mặc trong 4 tháng đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ 2020.

Thu Uyên