- Vòng đời trung bình của một tựa game di động chỉ kéo dài khoảng 3 tháng, trong khi thủ tục cấp phép dự kiến tại VN nhiều khả năng cũng rơi vào khoảng 2-3 tháng, "vừa vặn hết vòng đời sản phẩm". Hậu quả nhãn tiền của việc này là doanh nghiệp game có thể mất trắng cơ hội.
Có thể nói, sau thành công đầy bất ngờ của Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird, chưa bao giờ câu chuyện game di động lại nóng như vậy tại Việt Nam. Các doanh nghiệp game lớn trong nước như VNG, VCCorp, VTC, FPT đều mong chờ cơ hội từ thị trường mới mẻ nhưng đầy béo bở này, song các quy định hiện tại về quy trình cấp phép khiến họ không khỏi băn khoăn.
Dự thảo Thông tư về quản lý game trực tuyến (hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 72 về quản lý game và Internet) do Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) soạn thảo quan niệm rằng, game di động thuộc vào nhóm game G1, tức là những trò game có sự tương tác giữa người chơi thông qua máy chủ web. Đối với các game G1 thì thời gian doanh nghiệp gửi hồ sơ xin cấp phép cho tới khi có được câu trả lời chính thức từ Cục kéo dài 30 ngày. Hồ sơ xin nâng cấp, bổ sung, sửa đổi game G1 cũng phải chờ phê duyệt trong thời hạn 15 ngày.
Ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng giám đốc VCCorp nhấn mạnh rằng, đối với game di động thì 6 tháng đã là vòng đời "đáng mơ ước". Nhiều game di động đình đám như Candy Crush "trụ" được khoảng một năm thì sức hút cũng giảm sút rõ rệt.
Trong khi đó, khả năng để doanh nghiệp được cấp phép ngay lần đầu tiên nộp hồ sơ (30 ngày) là rất khó, vì có thể hồ sơ sẽ thiếu giấy tờ hoặc thông tin. Nếu bổ sung và nộp lại, khi đó doanh nghiệp sẽ phải chờ thêm tối thiểu là 30 ngày nữa. "Nếu vòng đời của game bình thường chỉ khoảng 3 tháng thì riêng thời gian xin cấp phép đã vừa vặn tiêu hết vòng đời sản phẩm", ông Tân phân tích.
Tương tự, thời gian xin cập nhật phiên bản cũng phải mất tối thiểu nửa tháng. Nếu như với web game, nhà phát hành chỉ cần tiến hành nâng cấp 6 tháng một thì game di động lại hoàn toàn khác. Việc cập nhật diễn ra rất thường xuyên để liên tục tạo cảm giác mới mẻ cho người chơi, hòng giữ chân người chơi được lâu nhất có thể. "Vòng đời của game di động rất ngắn nên chi phí đầu tư, thời gian phát sinh là rất lớn. Gánh nặng chi phí này rồi lại đổ lên đầu người chơi thì thị trường sẽ khó phát triển".
Còn nhớ trước đây, Nguyễn Hà Đông từng tâm sự rằng lý do thực sự mà Flappy Bird quá khó chính là do anh "cố tình thiết kế như vậy". Ít thời gian, không có nhiều nguồn lực để đầu tư cho máy chủ, Đông buộc phải thiết kế các level cực khó để không phải liên tục nâng cấp hệ thống hay cập nhật tựa game. Rõ ràng, bài toán cập nhật game di động không hề dễ giải cho các doanh nghiệp game nội, vốn bị hạn chế cả về chi phí lẫn nguồn lực.
Đồng quan điểm với ông Tân, đại diện VTC Online đề xuất rằng nên chăng, cơ quan quản lý không nên cấp phép game di động theo kiểu "từng game một" vì vòng đời game gần như trùng khít với thời gian xin cấp phép. "Doanh nghiệp nước ngoài thì cứ phát hành game trên Apple AppStore hay Google Play, trong khi doanh nghiệp nội lại phải chờ cấp phép thì sẽ không thể cạnh tranh được". Theo đó, cơ quan quản lý chỉ cần cấp giấy phép kinh doanh một lần cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ tự có trách nhiệm phát hành các game di động theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp bị phát hiện vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị phạt nặng, thậm chí là thu hồi giấy phép.
Bên cạnh yếu tố vòng đời ngắn thì số lượng cũng là một bài toán của game di động. Theo phân tích của ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VNG thì năm nay, dự kiến chỉ có khoảng 300 game di động lưu hành tại VN nhưng năm sau, con số này sẽ tăng lên khoảng 1000 game. Khi đó, nếu xét duyệt hồ sơ từng game một thì cơ quan quản lý sẽ làm không xuể. Để giải quyết nút thắt này, ông Minh kiến nghị Cục PTTH & Thông tin điện tử nên chuyển từ hình thức tiền kiểm (cấp phép) sang hậu kiểm.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều nhất trí rằng, khung dự thảo của Thông tư về quản lý game online lần này đã tương đối "vững chắc" và rõ ràng để các doanh nghiệp có thể tuân thủ và áp dụng, "chỉ cần điều chỉnh lại một chút cho phù hợp với thực tiễn mới nhất là có thể đi vào triển khai ngay". Nói như đại diện FPT Online thì doanh nghiệp game nội đang mong chờ Thông tư "từng giờ chứ không còn phải từng ngày nữa". "Không nhiết thiết hành lang pháp lý đó phải kiên cố, hoàn hảo ngay từ đầu mà trong quá trình áp dụng thực tế có thể sửa dần, uốn dần, miễn sao Thông tư được ban hành càng sớm càng tốt", vị này kết luận.
Trọng Cầm
Tin liên quan