Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 chiều 5/8, báo chí đã đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Tài chính về tình trạng chậm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) do khó chứng minh được xác minh nguồn gốc hàng hóa.

Báo chí cũng đặt câu hỏi trách nhiệm chậm hoàn thuế thuộc về cơ quan nào. Tổng số tiền chậm hoàn thuế tới nay là bao nhiêu?

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, quy định hoàn thuế giá trị gia tăng chia làm 2 trường hợp: hoàn trước kiểm sau và kiểm trước hoàn sau.

Về thời hạn, với các trường hợp hoàn trước kiểm sau, quy định thời hạn hoàn thành tính từ khi doanh nghiệp trình đầy đủ các hồ sơ theo quy định là 6 ngày.

Với trường hợp kiểm trước hoàn sau, quy định thời hạn hoàn thành là 40 ngày.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. (Ảnh: Nhật Bắc)

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, năm 2022, các cơ quan thuế cả nước đã hoàn trên 150.000 tỷ đồng, với hơn 22.700 quyết định hoàn thuế.

Còn trong 7 tháng đầu năm 2023, đã hoàn cho các doanh nghiệp 70.500 tỉ đồng. Các trường hợp hoàn thuế theo phân loại gần 80% thuộc về nhóm hoàn trước kiểm sau.

Liên quan đếnn việc doanh nghiệp phản ánh việc hoàn thuế chậm do vướng nhiều khó khăn trong quy định hoàn thuế, theo ông Chi, “về phía cơ quan quản lý nhà nước, một khi đã chậm thì cơ quan quản lý phải rà soát, xem xét và có cải tiến, để không ai nói chậm nữa”.

Cụ thể, sẽ rà soát quy định pháp luật và quy trình triển khai để rút ngắn thời gian, đáp ứng yêu của xã hội và doanh nghiệp. Về giải pháp cụ thể, ngành thuế đang xây dựng dữ liệu lớn về doanh nghiệp, chủ động sàng lọc các doanh nghiệp rủi ro trước - tức là các doanh nghiệp phải kiểm trước hoàn sau.

“Có doanh nghiệp chỉ kinh doanh yến sào, nhưng xuất hóa đơn với doanh thu trên 30.000 tỷ đồng, rõ ràng phải kiểm tra. Nếu hợp pháp thì sẽ hoàn thuế rất nhanh”, ông Chi nêu ví dụ.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ nâng cao kỷ cương, xử nghiêm các trường hợp gây khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời cũng kiên quyết xử nghiêm các gian lận hoàn thuế.

Trước đó báo chí đưa tin, dù mới được thành lập vào tháng 10/2022, nhưng Công ty TNHH Yến sào Hubnest (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã xuất hóa đơn lên tới 34.000 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD vào thị trường chứng khoán.

Giải trình với cơ quan thuế, công ty yến sào này cho hay, thực tế có phát sinh hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh mã VN30. Công ty thực hiện giao dịch thông qua HSC bằng phương thức khớp lệnh.

Doanh thu phát sinh trong quý I/2023 lên đến hơn 34.574 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với số vốn đăng ký của doanh nghiệp là 2,5 tỷ đồng.

Hóa đơn đầu vào không phát sinh thuế VAT, nhưng doanh nghiệp xác định giá trị mua vào trên tờ khai thuế VAT thông qua bảng kê chi tiết giao dịch của Công ty chứng khoán HSC.

Hóa đơn đầu ra công ty này ghi nội dung là "Hợp đồng tương lai chỉ số VN30F2210 tháng 10-2022, VN30F2211 tháng 11-2022, VN30F2212 tháng 12-2022, VN30F2301 tháng 1-2023, VN30F2302 tháng 2-2023, VN30F2303 tháng 3-2023". Ở mục tên người mua là "khách hàng không lấy hóa đơn".

Do vậy Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã gửi yêu cầu xác minh tới HSC.

HSC cho biết, khách hàng mở tài khoản giao dịch đúng quy định thì sẽ được cung cấp dịch vụ. Công ty yến sào xuất hoá đơn 34.000 tỷ đồng cũng như vậy. Việc cung cấp dịch vụ giao dịch và bảo mật thông tin khách hàng là trách nhiệm và ưu tiên hàng đầu của HSC. HSC chỉ cung cấp thông tin về giao dịch của khách hàng khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.